Chủ Nhật | 19/05/2013 07:51

Nhật không coi vụ phóng tên lửa của Triều Tiên là khẩn cấp

Vụ phóng diễn ra ngay sau chuyến thăm Bình Nhưỡng của cố vấn Thủ tướng Nhật Bản được coi là thành công.
Việc CHDCND Triều Tiên bất ngờ phóng 3 quả tên lửa tầm ngắn ngày 18/5 đang gây lo ngại cho các nước liên quan. Tuy nhiên, Nhật Bản, quốc gia đang nỗ lực nối lại đối thoại với Triều Tiên có chiều hướng giảm nhẹ mức độ nghiêm trọng của vụ phóng.

Ngay sau khi nhận được tin về vụ phóng tên lửa của Triều Tiên, chính phủ Nhật Bản đang phối hợp với các nước liên quan, trước hết là Mỹ và Hàn Quốc để phân tích ý đồ của vụ phóng. Một quan chức của chính phủ Nhật Bản cho rằng do đây là tên lửa tầm ngắn, hơn nữa lại diễn ra ngay sau chuyến thăm Bình Nhưỡng được coi là thành công của ông Isao Iijima, cố vấn Thủ tướng Nhật Bản nên chính phủ không coi đây là tình huống phải áp dụng tình trạng khẩn cấp.

Ông Iijima đã trở về Tokyo ngày 18/5 sau chuyến thăm Triều Tiên 3 ngày. Trong chuyến thăm, ông Iijima đã được gặp Chủ tịch Uỷ ban Thường vụ Hội nghị nhân dân tối cao Triều Tiên Kim Yong-nam, người được coi là nhân vật số 2 tại Triều Tiên. Ông Iijima được cho là đã truyền đạt đường lối cơ bản của chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe. Đó là mặc dù việc giải quyết đồng bộ vấn đề bắt cóc, hạt nhân và tên lửa là rất quan trọng nhưng đối với Nhật Bản giải quyết vấn đề điệp viên Triều Tiên bắt cóc người Nhật là ưu tiên số một. Sẽ không có tiến triển gì trong quan hệ Nhật-Triều nếu không có tiến triển trong vấn đề bắt cóc.

Mặc dù chưa rõ phía Triều Tiên sẽ phản ứng thế nào với thông điệp của Nhật Bản nhưng việc cố vấn Thủ tướng Nhật gặp được các lãnh đạo cao cấp của Triều Tiên được coi là thành công của chuyến đi. Tuy nhiên, Mỹ đã lên tiếng cảnh báo Nhật Bản về mục đích của Triều Tiên khi cho phép ông Iijima đến Bình Nhưỡng.

Phát biểu với báo giới trước khi rời Tokyo ngày 18/5, Đặc phái viên phụ trách chính sách Triều Tiên của Mỹ Glyn Davies nói: “Chúng tôi cho rằng Triều Tiên đang chuyển chiến lược sang hướng tìm kiếm điểm chung với các nước để lợi dụng sự khác biệt trong quan điểm mỗi nước nhằm chia rẽ các nước liên quan”.

Tuy nhiên, ông Glyn Davies cho biết trong chuyến công du Nhật Bản lần này, Mỹ và Nhật Bản đã tái xác nhận sự cần thiết của việc phối hợp chặt chẽ trong chính sách đối với Triều Tiên.

Nguồn VOV


Sự kiện