Chính phủ Nhật đang lên kế hoạch áp dụng thanh toán lương không tiền mặt tại các đặc khu trước khi nhân rộng ra toàn quốc.

 
Trang Lê Thứ Tư | 23/01/2019 09:11

Nhật hướng tới xã hội không tiền mặt

Chính phủ Nhật đang cân nhắc cho phép các doanh nghiệp trả lương bằng tiền điện tử để hướng tới chuyển sang xã hội không tiền mặt.

Động thái trên diễn ra trong bối cảnh Nhật dự kiến mở cửa vào tháng 4 tới cho nhóm lao động tri thức nước ngoài, hiện đang đối mặt với rào cản trong việc mở tài khoản ngân hàng do thiếu tài sản trong nước và lịch sử giao dịch.

Ngoài tiền điện tử được nhập vào thẻ căn cước và điện thoại thông minh, các khoản tiền mua thẻ điện thoại trả trước và ứng dụng điện thoại thông minh đều sẽ được cân nhắc. Tiền ảo thường rất dễ biến động do đó sẽ không được áp dụng.

Chính phủ Nhật Bản đang lên kế hoạch áp dụng thanh toán lương không tiền mặt tại các đặc khu trước khi nhân rộng ra toàn quốc. Hiện nay, phần lớn người lao động Nhật Bản nhận lương bằng tiền mặt hoặc thông qua chuyển khoản. Luật lao động Nhật yêu cầu các công ty phải trả lương bằng tiền mặt ít nhất một lần một tháng để họ không thể trả thay thế bằng sản phẩm. Việc chuyển khoản cũng được chấp nhận theo quy định của Bộ Lao động.

Nhat huong toi xa hoi khong tien mat
Tỷ lệ sử dụng tiền mặt tại Nhật thuộc hàng cao nhất thế giới

Chính phủ Nhật đặt mục tiêu siết chặt việc thanh toán lương không dùng tiền mặt cho các nhà kinh doanh có tình trạng tài chính tốt và đã đăng ký với Cơ quan Dịch vụ Tài chính. Dự kiến, Chính phủ và các bộ ngành sẽ thảo luận để quyết định xem phương thức nào giúp bảo vệ người lao động khỏi việc chậm thanh toán lương nếu các nhà buôn phá sản.

Mặc dù thẻ tín dụng và tiền điện tử ngày càng trở nên phổ biến, Nhật Bản vẫn là xã hội trọng tiền mặt, khi các khoản thanh toán không tiền mặt chỉ chiếm 20% vào năm 2015, thấp hơn nhiều so với mức 90% tại Hàn Quốc và 60% tại Trung Quốc. Chính quyền Tokyo và một số đơn vị khác đã yêu cầu sử dụng tiền điện tử để thanh toán lương, khẳng định nhu cầu này đang rất cao.

Hiện tại các nhà buôn giao dịch bằng tiền điện tử đang chịu trách nhiệm bảo vệ tiền của người dùng, song lại không bị nhà chức trách giám sát chặt chẽ như ngân hàng. Nếu nhà giao dịch phá sản, sẽ mất tới 3 tháng để người dùng nhận lại tài sản. Kể cả khi công ty bảo hiểm chi trả thiệt hại, việc trả tiền cho những người không có tài khoản ngân hàng cũng sẽ gặp khó khăn.

Nhat huong toi xa hoi khong tien mat
Tỉ lệ ứng dụng công nghệ của ngành ngân hàng Nhật thấp hơn rất nhiều nước

Bên cạnh đó, sự thay đổi của ngành ngân hàng Nhật Bản là tất yếu khi tỷ lệ ứng dụng công nghệ trong tài chính tại nước này đang khá thấp so với nhiều nước, thậm chí còn không bằng Nam Phi hay Mexico.

Ngoài ra, việc người Nhật coi trọng sự riêng tư cũng như không muốn bị người khác coi thường đang khiến nhiều ngành kinh doanh như tín dụng ngân hàng, bảo hiểm… gặp khó khăn. Với sự thay đổi này, các ngân hàng có thể truy cập được dữ liệu tiêu dùng, qua đó cung cấp nhiều dịch vụ tài chính hơn cũng như thúc đẩy được đầu tư.

Trước đây, các ngân hàng Nhật khá chậm chân trong ngành công nghệ tài chính đã khiến nhiều đối thủ vượt trước. Hệ thống Alipay của Alibaba đã triển khai thanh toán điện tử bằng mã QR ở Nhật Bản từ năm 2015, nhắm đến lượng khách du lịch khổng lồ đổ về đây hàng năm. Hãng tàu hỏa East Japan Railway Co cùng hãng bán lẻ Seven & I Holding thì triển khai thẻ tín dụng trả trước tại các quầy thanh toán. Năm 2016, thậm chí Apple cũng đã phát triển hệ thống thanh toán trả trước trên iPhone ở Nhật.

Năm 2017, chính quyền Tokyo đã đặt mục tiêu tăng gấp đôi số giao dịch phi tiền mặt trong vòng 10 năm lên 40%, một động thái nằm trong chiến lược "xã hội 5.0" nhằm nâng cao sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Theo ước tính của Mizuho, việc không sử dụng tiền mặt có thể giúp các ngân hàng Nhật tiết kiệm được 1 nghìn tỉ Yên (9,4 tỉ USD) mỗi năm.

Mặc dù vậy, các ngân hàng Nhật đã sẵn sàng làm việc với những công ty công nghệ cho dịch vụ mới nhưng họ sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Thói quen dùng tiền mặt của đất nước mê tiền mặt nhất thế giới không dễ thay đổi. Số liệu của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) cho thấy giao dịch tiền mặt chiếm tới 20% GDP Nhật, đứng đầu toàn cầu.