Cổng vào trường tiểu học Ashigakubo ở Yokose, tỉnh Saitama. Ngôi trường hơn một thế kỷ buộc phải đóng cửa vào năm 2009. Ảnh: AFP.
Nhật đóng cửa 8500 trường học vì dân số già
Bức ảnh phai màu chụp những đứa trẻ mỉm cười vẫn được treo ngay ngắn, tô điểm dọc hành lang Trường tiểu học Ashigakubo, một trong hàng ngàn cơ sở giáo dục đã đóng cửa ở Nhật già cỗi trong 20 năm qua.
Thị trưởng Yoshinari Tomita cho biết, ngôi trường đã có tuổi đời hơn một thế kỷ này đã buộc phải đóng cửa vào năm 2009 khi vài chục học sinh cuối cùng rời trường để theo học tại một ngôi trường lớn hơn vì chúng không thể kết bạn với bất kỳ ai.
Sân chơi bị dỡ bỏ vì xuống cấp do không được bảo trì và hồ bơi cũng bị bỏ hoang. Tuy nhiên, phần cổ nhất của ngôi trường, được xây dựng vào năm 1903, vẫn được bảo tồn và chính quyền địa phương đang nỗ lực làm sống lại những căn phòng gỗ đầy hoài niệm này. Có một khoản ngân sách công dành riêng cho chính quyền thành phố để quản lý các trường học cũ và tái sử dụng các tòa nhà không sử dụng nhằm phục vụ cộng đồng của họ một cách tốt nhất.
"Làm cho người dân hạnh phúc"
Tuy là trường học nhưng giờ đây trường Ashigakubo mang lại lợi nhuận theo nhiều cách khác nhau. Mặt bằng của trường đã được tận dụng để tổ chức các sự kiện cosplay (hóa trang), hội thảo gia đình, kinh doanh hàng tuần và đôi khi được cho thuê để quay phim. Sau khi được nâng cấp vào năm 2019, địa điểm này cũng có thể trở thành một trung tâm sơ tán trong trường hợp xảy ra thiên tai.
Cũng nhờ đó, thị trấn Yokoze năm ngoái kiếm được 200.000 yen (1.340 USD). Trước đại dịch, con số đó thậm chí còn lớn hơn.
Một nhân viên tòa thị chính đi dọc hành lang của trường tiểu học Ashigakubo cũ vào tháng 9. Ảnh: AFP. |
Đối với thị trấn 7.800 cư dân, nơi mà cả dân số lẫn tài chính đều đang dần thu hẹp, trường học Ashigakubo trở thành một tòa nhà mang giá trị không thể thiếu.
Ông Tomita nói: “Tôi muốn tìm cách tái sử dụng trường học để cư dân trong khu phố hài lòng”.
8.580 trường học đóng cửa
Nếu xét về dân số già thì Nhật chỉ đứng sau Monaco trên toàn thế giới. Đất nước này có 14,4 triệu trẻ em dưới 15 tuổi, chỉ chiếm 11,5% tổng dân số và ít hơn 4 triệu so với đầu những năm 2000.
Theo Bộ Giáo dục, từ năm 2002 đến năm 2020, 8.580 trường công lập đã đóng cửa. Trong số 7.400 ngôi trường vẫn còn tồn tại đến năm 2021, 74,1% được tái sử dụng và có 2,9% dự kiến bị phá bỏ.
Tuy nhiên, các tòa nhà chỉ được tái sử dụng một phần chứ không phải toàn bộ, chẳng hạn như ở Ashigakubo. Hay tại một trường học cũ khác ở tỉnh Kochi, nơi đã được một tổ chức phi lợi nhuận chăm sóc rùa biến bể bơi thành thủy cung. Một trường khác ở tỉnh Mie đã cho thuê lại 2 lớp học cũ để mở cửa hàng bán đĩa vinyl.
Tại thị trấn Namegata, tỉnh Ibaraki, dân số giảm 20% xuống còn khoảng 30.000 người từ năm 2009 đến năm 2023. Số trẻ em giảm hơn 1/3 và số trường học giảm từ 22 xuống còn 7.
Một trong những trường học không sử dụng ở Namegata đã được một công ty mua lại và biến nó thành công viên giải trí nông nghiệp từ năm 2015, với các cửa hàng nông sản và xưởng nấu ăn bên trong.
Ông Tetsuro Kinoshita, Người quản lý Làng nông dân Namegata cho biết: “Điều này khiến người dân hài lòng, tạo việc làm và thúc đẩy sản xuất đặc sản khoai lang địa phương”.
Thị trưởng Shuya Suzuki cho biết: “Đây là một trong những trường hợp điển hình về việc tái sử dụng trường học trong nước”.
Ông nói thật lý tưởng khi có thể làm cho nó trở nên gần gũi với người dân, gắn kết với khu vực, vì trường học từ lâu đã là biểu tượng của cộng đồng.
Nhưng cũng có không ít những ngôi trường cũ khác ở Namegata phải phá bỏ vì chi phí cải tạo quá tốn kém.
Ông Suzuki cho biết: “Công việc này rất tốn kém và chúng tôi không thể thực hiện được nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước. Và chúng tôi phải rất gấp rút vì thời gian trợ cấp có hạn. Tuy khó nhưng chúng tôi không có lựa chọn nào khác".
Có thể bạn quan tâm:
Người giàu Trung Quốc tìm cách "di cư" tài sản
Nguồn The Japan Times