Những người đi làm buổi sáng ở Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Kiyoshi Ota/Bloomberg.

 
Tuyết Trinh Thứ Hai | 03/04/2023 11:10

Nhật đối mặt với nguy cơ thiếu hụt hơn 11 triệu lao động vào năm 2040

Nhật cần 6,74 triệu lao động nước ngoài vào năm 2040, tức gần gấp 4 lần so với năm 2020, để đạt mức tăng trưởng trung bình hàng năm khoảng 1,24%.

Một nghiên cứu của Recruit Works Institute gần đây cho thấy, Nhật có thể phải đối mặt với tình trạng thiếu hơn 11 triệu lao động vào năm 2040, nhấn mạnh những thách thức kinh tế mà quốc gia này phải đối mặt. Hiện nay, Nhật đứng đầu thế giới về tỉ lệ người cao tuổi trong tổng dân số với hơn 29%. Tỉ lệ sinh thấp và dân số già hóa đặt ra mối lo ngại về thiếu hụt nguồn nhân lực, làm tăng chi phí trợ cấp xã hội, đồng thời giảm triển vọng tăng trưởng của Nhật cũng như các nền kinh tế châu Á khác.

Dân số trong độ tuổi lao động của nước này dự kiến ​​giảm nhanh chóng từ năm 2027. Báo cáo cho biết, nguồn cung lao động tại Nhật dự kiến ​​giảm khoảng 12% vào năm 2040 so với năm 2022, ngay cả khi nhu cầu lao động vẫn ổn định.

Thủ tướng Fumio Kishida hiện coi việc đảo ngược tình trạng suy giảm tỉ lệ sinh kéo dài tại Nhật là ưu tiên hàng đầu của chính phủ, khi ông cảnh báo về sự sụp đổ của xã hội nếu số trẻ sinh ra đạt mức thấp. Ông cũng cam kết dành khoảng 1.000 tỉ yen (7,6 tỉ USD) để đào tạo lực lượng lao động có kỹ năng cao trong 5 năm tới. Tuy nhiên, quốc gia này vẫn sẽ phải đối mặt với khó khăn khi lực lượng lao động ngày càng bị thu hẹp. Theo dự báo của Recruit Works, dân số trong độ tuổi lao động tại Nhật dự kiến giảm tới 1/5, xuống còn 59,8 triệu người vào năm 2040.

Thủ tướng Fumio Kishida lo ngại tình trạng già hóa dân số ảnh hưởng đến kinh tế xã hội Nhật Bản. Ảnh: Nikkei Asia
Thủ tướng Fumio Kishida lo ngại tình trạng già hóa dân số ảnh hưởng đến kinh tế xã hội Nhật. Ảnh: Nikkei Asia.

Nghiên cứu cảnh báo rằng, sự thiếu hụt lao động tại Nhật - quốc gia với 126 triệu dân, có thể trở nên nghiêm trọng trong các lĩnh vực sử dụng nhiều lao động như ngành vận tải, xây dựng và cả ngành y tế, chăm sóc sức khỏe, do nhu cầu này ngày càng tăng vì dân số đang già hóa đi.

Trưởng nhóm nghiên cứu Shoto Furuya cho biết, vị thế trong nền kinh tế thế giới của Nhật đang suy giảm, cùng với đó là cuộc khủng hoảng già hóa dân số đang diễn ra nên có thể chính sách thúc đẩy nhập cư không phải là giải pháp khả thi nhất trong dài hạn.

Nghiên cứu cho thấy sự phân chia giữa nông thôn và thành thị của Nhật cũng có thể trở nên tồi tệ hơn theo thời gian. Năm 2040, dự báo sẽ có khoảng 30% dân số Nhật là những người trên 65 tuổi, cùng với tình trạng giảm sinh như hiện nay, ước tính Nhật sẽ thiếu hụt hơn 11 triệu lao động, trong đó sự thiếu hụt lao động tại các khu vực nông thôn sẽ trầm trọng hơn các khu vực thành thị như Tokyo hay Osaka.

Được biết, Chính phủ Nhật đã nới lỏng các điều kiện cấp thị thực cũng như tạo điều kiện sinh sống tốt hơn để thu hút người nước ngoài đến làm việc tại Nhật, nhằm bù đắp tình trạng thiếu hụt trong nước. Bên cạnh đó, Nhật cũng thực hiện các chính sách lâu dài khuyến khích tăng tỉ lệ sinh như hỗ trợ tài chính, thay đổi cơ cấu nghề nghiệp đảm bảo công bằng cho phụ nữ khi sinh và nuôi con nhỏ nhằm đảo ngược xu hướng sụt giảm dân số hiện nay.

Có thể bạn quan tâm:

Dầu Nga “chảy đều” mặc cấm vận và kế hoạch giảm sản lượng

Nguồn Bloomberg