Nhật chưa thể thoát khỏi giảm phát
Máy bán hàng tự động có mặt mọi nơi ở nước Nhật: khắp hệ thống ga tàu, xe điện ngầm của thủ đô Tokyo, tại các đền đài lịch sử của Kyoto, trên các hòn đảo xa xôi nhất của Okinawa và cả trên núi Phú Sĩ.
Với 5 triệu chiếc máy bán hàng tự động - tức cứ 25 người dân thì có 1 máy - Nhật có tỉ lệ máy bán hàng tự động bình quân đầu người cao nhất trên thế giới, gấp đôi tỉ lệ ở Mỹ. Máy bán hàng tự động bán vé xe tàu, hoa, gà rán và nhiều món hàng khác. Đáng chú ý, hơn phân nửa số máy có bán nước ngọt. Với “độ phủ sóng” này, chúng cũng trở thành một chỉ số kinh tế quan trọng cho thấy sức khỏe của nền kinh tế Nhật.
Các máy bán nước ngọt tự động là một ví dụ điển hình cho thấy mức độ khó khăn của chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe trong việc đưa Nhật thoát khỏi nạn giảm phát, vốn vẫn đang kiềm hãm đà tăng trưởng của nước này. Số liệu chính phủ cho thấy giá nước ngọt đang ở mức thấp nhất kể từ năm 1976. Cứ 3 máy bán hàng tự động thì có 1 máy đã giảm giá bán, theo nhà nghiên cứu ngành nước giải khát Inryou Souken có trụ sở tại Tokyo.
Tại một máy nằm ở giao lộ chính của khu Shirokanedai, thuộc Tokyo, một lon Coca-Cola nửa lít được bán với giá chỉ 100 yen, tương đương 82 cent. Giá bán nước ngọt “chuẩn” cho tất cả các máy bán hàng tự động là 130 yen. Đó là giá tại các khu ngoại ô và các ga tàu, nơi có mức độ cạnh tranh không nhiều.
Trong nhiều năm trời, các công ty vận hành máy bán hàng tự động nước ngọt đã bị kẹt trong một cuộc chiến giá với siêu thị và các nhà bán lẻ giá rẻ. Sau khi Chính phủ Nhật tăng thuế tiêu dùng vào tháng 4.2014, nhiều nhà kinh doanh đã phải chọn cách giảm giá hơn nữa để hạn chế tác động của thuế lên sức mua tiêu dùng. “Nhiều người vẫn còn tư tưởng giá thấp. Nó đã bám rễ quá sâu”, Takeshi Minami, chuyên gia kinh tế tại Viện Nghiên cứu Norinchukin, nhận định.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Haruhiko Kuroda đã liên tục nhấn mạnh kể từ khi tung ra gói kích thích tiền tệ chưa từng có vào tháng 4.2013 rằng, để thoát khỏi giảm phát, điều quan trọng là phải gia tăng kỳ vọng lạm phát của người dân. Nhưng thay vì tăng mạnh, chi tiêu hộ gia đình đã giảm qua từng tháng ngoại trừ 4 tháng kể từ đầu năm 2014, khiến cho mục tiêu phục hồi kinh tế qua thúc đẩy tiêu dùng của ông Shinzo Abe càng xa vời.
Với đà phục hồi kinh tế vẫn còn mong manh, những người tiêu dùng Nhật cần kiệm chi tiêu đang có xu hướng tự mang theo nước uống khi ra ngoài. Còn nếu có nhu cầu mua, họ thường chọn mua tại siêu thị và các cửa hàng tiện lợi mà có giảm giá. Điều đó đang gây áp lực lên các nhà kinh doanh máy bán hàng tự động, buộc họ phải giảm giá để giữ chân khách hàng, theo Viện Nghiên cứu Yano tại Tokyo.
Cạnh tranh đang rất căng thẳng: một chai Coca-Cola nửa lít chỉ có giá 75 yen (55 yen nếu có phiếu giảm giá) tại nhà bán lẻ giá rẻ Don Quijote ở phía bên kia đường, đối diện máy bán hàng tự động ở khu Shirokanedai. Rõ ràng, dù là ai chiến thắng trong cuộc chiến marketing nước ngọt thì việc giá giảm (vốn là kết quả của cuộc chiến này) sẽ khiến nền kinh tế Nhật khó mà thoát khỏi bóng ma giảm phát.
Nguyễn Quốc
Nguồn Bloomberg