Thứ Bảy | 06/04/2013 13:08

Nhật Bản với chiến lược tự do hóa thương mại

Chính phủ Nhật Bản cho rằng, tự do hóa thương mại là con đường duy nhất để Nhật Bản trở thành đối trọng với Trung Quốc đang lên.
Ngày 15/3, Thủ tướng Nhật Bản tuyên bố nước này sẽ tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với 11 quốc gia, bao gồm Mỹ. Đầu tiên, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố, đây là cơ hội duy nhất để thể hiện quan điểm với tự do thương mại. Nhật Bản hoặc sẽ trở thành một phần của sự phát triển kinh tế toàn cầu, hoặc sẽ bị cô lập và tụt hậu.

Tiếp theo, ông Abe đã sử dụng một tấm bản đồ, trong đó, các quốc gia tham gia TPP được tô màu vàng và Nhật Bản là màu đỏ. Bên cạnh Nhật Bản là Trung Quốc rộng lớn và không tô màu.

Một thành viên cấp cao của Đảng tự do Dân chủ (LDP) của ông Abe nhận định đây là một thông điệp quá rõ ràng nhằm ám chỉ rằng tham gia TPP là cách duy nhất để Nhật Bản có thể đối trọng được với một Trung Quốc đang lên, mà có thể chính Trung Quốc cuối cùng cũng sẽ tham gia vào nhóm các quốc gia này.

Ông Abe hiện nay vẫn đang sử dụng các lý lẽ về kinh tế và an ninh để bảo vệ cho ý kiến của mình. Quyết định tham gia TPP này có thể ảnh hưởng đến uy tín Đảng Tự do dân chủ sau khi đảng này trở lại nắm quyền trong cuộc bầu cử Hạ viện vào tháng 12/2012 vừa qua một phần nhờ vào các phiếu bầu của các nông dân Nhật Bản – bộ phận chống đối tự do hóa thương mại nông nghiệp.

Nhật Bản đã tham gia đàm phán TPP được 2 năm. Trong khi đó, đã có nhiều cuộc hội đàm được tổ chức giữa các quốc gia thành viên, các cuộc thảo luận này là không công khai nên ảnh hưởng hiện tại của Nhật Bản cũng chưa sáng tỏ.

Thêm vào đó, khi ông Abe thông báo cho Mỹ biết về ý định muốn tham gia của Nhật Bản, chính quyền của Tổng thống Barack Obama đã tham vấn Quốc hội trong vòng 90 ngày. Điều này cho thấy Nhật Bản sẽ chưa thể tham gia hội đàm cho đến khi có cuộc họp mặt vào tháng 9. Hiện nay, thời hạn cuối cùng để thực hiện đàm phán là tháng 10.

Khi ông Abe đối mặt với sự chống đối nội bộ thì một số quốc gia khi kết thúc vòng đàm phán TPP lần thứ 16 tại Singapore vào 13/3 đã có nhiều ý kiến về Nhật Bản.

Một số quốc gia Đông Nam Á ủng hộ sự tham gia của Nhật Bản như Brunei, Malaysia, Singapore và Việt Nam. Mexico, Chile và Peru cũng thể hiện thiện ý do quy mô của thị trường Nhật Bản. Canada cũng tham gia vào nhóm ủng hộ Nhật Bản.

Bà Yet Deborah Elms, chuyên gia tại Quỹ Thương mại và Đàm phán Temasek, Singapore cho biết, Australia và NewZealand có thể sẽ lo lắng nếu Nhật Bản kéo dài cuộc đàm phán. Hai quốc gia này cũng lo ngại rằng, nếu Nhật Bản cố gắng bảo vệ ngành nông nghiệp (với các sản phẩm gạo, bột mỳ, đường, thịt bò, thịt lợn,…) thì sẽ trở thành tiền lệ cho Mỹ rút khỏi thị trường đường và Canada bảo hộ ngành bơ sữa.

Về phần Mỹ, bà Elms nhấn mạnh, các chuyên gia đàm phán TPP của Mỹ đã đấu tranh trong nhiều thập kỷ với Nhật Bản để thâm nhập vào thị trường xe hơi, thịt bò, bảo hiểm của Mỹ; họ cho rằng đây sẽ là một cuộc thương lượng căng thẳng.

Tuy nhiên, vẫn có cơ sở để lạc quan về vấn đề này. Một số chuyên gia lưu ý rằng, thay vì nhắc đến “tiền lệ” của Nhật Bản về các sản phẩm nông nghiệp, như gạo (với mức thuế nhập khẩu cao nhất là 778%), ông Abe đã dùng từ “quyền bảo hộ” hàm ý thuế suất được định đoạt dựa vào thương lượng giữa các quốc gia, dù không thể dỡ bỏ hoàn toàn mức thuế quan.

Hơn thế, TPP đang ngày càng trở nên nổi tiếng cùng với chính phủ của ông Abe. Điều này có thể hỗ trợ ông Abe đạt được nhiều phiếu bầu cho cuộc bầu cử Hạ viện vào tháng 7 hơn là những phản ứng tiêu cực từ phía nhóm vận động hành lang về nông nghiệp.

Mới đây, bất chấp quan hệ trước đây với hội nông dân, lãnh đạo Đảng Tự do dân chủ Nhật Bản đã cho thấy những động thái đáng chú ý và giữ vững quan điểm đồng thuận về việc gia nhập TPP trong đảng.

Các quốc gia tham giaTPP mặc dù đang rất trông mong vào các cuộc đàm phán trong tháng 10 nhưng cũng sẵn sàng trì hoãn và coi đây là cái giá xứng đáng để có sự tham gia của nền kinh tế lớn thứ nhất và thứ 3 thế giới vào khu vực thương mại tự do này.

Bà Elms nhận định, cùng với sự tham gia của Nhật Bản sẽ là Hàn Quốc và 2 quốc gia này sẽ tạo nên một sức mạnh kinh tế đáng kể trên bàn thương lượng. Một khi Nhật Bản và Hàn Quốc gia nhập, thị trường lớn nhất châu Á là Trung Quốc cũng sẽ buộc phải cân nhắc việc tham gia TPP.

Nguồn Dân Việt/Economist


Sự kiện