Nhật Bản và Trung Quốc ganh đua cho vị trí chủ tịch ADB
Ngay sau khi có thông tin ông Kuroda từ nhiệm, Bộ tài chính Nhật Bản đã nhanh chóng chuẩn bị các bước cần thiết để bầu ra ứng cử viên mới cho vị trí chủ tịch ADB - vị trí mà Nhật Bản đã nắm giữ kể từ năm 1966.
Đối với Nhật Bản, vị trí chủ tịch ADB cũng tương tự như Ngân hàng Thế giới (World Bank) đối với Mỹ hay Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đối với châu Âu. Có thể nói đây là một trong những vị trí giúp Nhật Bản tạo tầm ảnh hưởng về tài chính đối với toàn cầu.
Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso cho biết: "Nhật Bản sẽ thực hiện chiến dịch bầu cử theo nhiều hình thức. Do đó, Nhật Bản hoàn toàn có thể giành lại vị trí chủ tịch ADB mà ông Kuroda bỏ trống". Ông Aso cũng cho biết Nhật Bản có thể đề cử thứ trưởng Tài chính về các vấn đề quốc tế, ông Takehiko Nakao, làm ứng cử viên tranh chức chủ tịch ADB.
Chính phủ Nhật Bản cũng kỳ vọng cuộc bỏ phiếu sẽ được tổ chức trước thềm kỳ họp thường niên của ADB, dự kiến trong tháng 5 tại Delhi. Đây cũng là khoảng thời gian thích hợp giúp tân chủ tịch có thể nắm bắt công việc của ADB trong thời gian tới.
Trong những năm trước, các cuộc bầu cử vị trí chủ tịch ADB thường ít thu hút được sự chú ý của dư luận toàn cầu. Tuy nhiên, năm nay lại vô cùng khác biệt do Nhật Bản vấp phải sự cạnh tranh gay gắt từ Trung Quốc - quốc gia đã soán vị trí nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới từ Nhật Bản. Các nhà phân tích đang theo dõi rất sát sự kiện này bởi nó mang tính quyết định, ảnh hưởng tới cán cân quyền lực của châu Á - một trong những khu vực phát triển nhanh nhất thế giới.
Không chỉ cố gắng giành vị trí chủ tịch ADB vốn thuộc về Nhật Bản sau nhiều thập kỷ, Bắc Kinh còn tìm cách mở rộng tầm ảnh hưởng của mình tại nhiều tổ chức kinh tế quốc tế, đặc biệt là IMF - nơi có phó giám đốc quản lý là một người mang quốc tịch Trung Quốc.
Mặc dù đã cố gắng nỗ lực cạnh tranh giành ảnh hưởng trên trường quốc tế, song giới phân tích nhận định rất khó để Trung Quốc có thể giành vị trí lãnh đạo tại IMF - nơi vị trí lãnh đạo luôn thuộc về người đến từ một trong những quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) - hay World Bank - thường do 1 người Mỹ nắm quyền lãnh đạo.
Các quan chức tại những tổ chức quốc tế thì cho rằng Bắc Kinh vẫn chưa đủ sẵn sàng để tiếp quản vị trí lãnh đạo, do để đảm nhiệm những vị trí này, đòi hỏi phải có những cải cách triệt để trong chính sách kinh tế. Chẳng hạn, nước chủ tịch của ADB sẽ phải đóng góp cho ngân hàng nhiều tiền hơn hoặc phải vay nhiều hơn từ ADB.
Dù các quan chức Trung Quốc đều từ chối bình luận tham vọng lãnh đạo ADB, song sự ganh đua gay gắt dưới nhiều hình thức, từ các cuộc tranh luận về chính sách kinh tế khu vực và toàn cầu, giữa Tokyo và Bắc Kinh càng khiến nhiều người tin rằng Trung Quốc đang thực sự muốn giành lấy vị trí này từ Nhật Bản.
Theo các nhà phân tích, hiện tại Nhật Bản đang có lợi thế hơn do các quy tắc bầu cử chủ tịch ADB có phần có lợi cho Tokyo. Chẳng hạn, ADB quy định ứng cử viên chủ tịch phải có được hơn 50% sự ủng hộ từ các quốc gia là thành viên của ngân hàng. Trong khi đó, Nhật Bản cùng các nước khối eurozone, Australia và New Zealand đang nắm giữ tới 50,6% số phiếu bầu trong ADB. Điều này có nghĩa cơ hội thắng của Tokyo là khá cao do những nước này đều có mối quan hệ kinh tế tốt đẹp với Nhật Bản.
Bên cạnh đó, lượng tiền đóng góp hàng năm cũng giúp đảm bảo một vị trí vững chắc cho Nhật Bản trong ADB. Hiện tại, Nhật Bản và Mỹ vẫn là 2 nhà tài trợ lớn nhất cho ADB, mỗi nước chiếm tới 15,6% tổng vốn vay của ngân hàng này.
Một số quan chức Nhật Bản tự tin cho rằng Trung Quốc sẽ không tìm cách đoạt vị trí chủ tịch ADB, song một số người khác thì tỏ ra thận trọng hơn và cho rằng các nhà lãnh đạo cấp cao của Bắc Kinh có thể sẽ quyết tâm có được vị trí này.
Một kịch bản khác có thể đó là Trung Quốc có thể sẽ ủng hộ ứng cử viên từ một quốc gia khác, và chống lưng giúp người này có thể cạnh tranh với các ứng cử viên của Tokyo.
Lần cuối cùng Nhật Bản và Trung Quốc cạnh tranh nhau vị trí lãnh đạo trong 1 tổ chức quốc tế diễn ra vào năm 2011, khi đó cả 2 nước đều muốn có được vị trí đứng đầu trong Văn phòng giám sát của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á và 3 nước Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Nguồn WSJ/Khampha
ứng cử viên tranh chức chủ tịch ADB.