Nhật Bản và Trung Quốc - 2 điểm sáng của châu Á tuần này
Dự báo, Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) sẽ tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ trong cuộc họp ngày 30/4. Shane Oliver, chiến lược gia đầu tư tại AMP, nhận định, vẫn còn quá sớm để dự đoán BOJ sẽ nới lỏng chính sách do vẫn chưa có đủ dữ liệu về nền kinh tế sau đợt tăng thuế.
Nhật Bản cũng sẽ công bố sản lượng công nghiệp vào ngày 30/4, chi tiêu hộ gia đình và số liệu việc làm trong tháng 3 vào ngày 2/5.
Giới chuyên gia kinh tế dự báo BOJ sẽ đẩy mạnh kích thích tiền tệ trong nửa sau của năm 2014 để bù lại những thiệt hại của nền kinh tế sau đợt tăng thuế.
Trong khi đó, ngày 1/5, Trung Quốc sẽ công bố chỉ số PMI sản xuất chính thức.
Tuần trước, theo HSBC, chỉ số PMI sản xuất của trung Quốc tăng lên 48,3 điểm, cao hơn so với chỉ số của tháng 3 là 48 điểm nhưng vẫn dưới mức phát triển là 50 điểm.
Ting Lu, chuyên gia kinh tế học tại Bank of America Merrill Lynch, dự báo chỉ số PMI HSBC của Trung Quốc sẽ dần tăng lên vào khoảng 49 - 50 điểm trong những tháng tới trong khi chỉ số PMI chính thức sẽ rơi vào khoảng 50,5 - 51 điểm nhờ những gói kích thích kinh nhỏ và khả năng phục hồi trong nhu cầu xuất khẩu của Trung Quốc.
Đầu tháng 4, chính phủ Trung Quốc đã tiến hành gói kích thích siêu nhỏ thông qua kế hoạch tăng chi tiêu vào đường sắt, xây dựng nhà cho những hộ gia đình thu nhập thấp và giảm thuế đối với các công ty nhỏ.
Ngoài ra, thị trường khu vực cũng sẽ đặt tâm điểm vào cuộc họp chính sách của Ủy ban thị trường mở liên bang vào ngày 30/4 - 1/5. Ngân hàng trung ương được dự báo sẽ tiếp tục cắt giảm 10 tỷ USD từ chương trình mua trái phiếu xuống 45 tỷ USD/ tháng. FOMC dường như rất tin tưởng vào sự phục hồi của nền kinh tế sau thời kỳ khủng hoảng do thời tiết mùa đông.
Trên lĩnh vực địa chính trị, giới đầu tư sẽ theo dõi sát sao những diễn biến mới nhất của căng thẳng giữa Nga và Ukraine cũng như những biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp dụng với Nga.
Nguồn Theo DVO/ CNBC