Thứ Hai | 16/04/2012 13:41

Nhật Bản trở thành mục tiêu mới nhất của dòng vốn Trung Quốc

Các công ty Trung Quốc gia tăng mua lại các công ty Nhật Bản, những người đang dựa vào sự giàu có của Trung Quốc để tái cơ cấu hoạt động.
Trong vài tháng qua, các công ty Trung Quốc đã đẩy mạnh việc hỗ trợ các công ty Nhật Bản gặp khó khăn trong việc huy động vốn.

Những hợp đồng như trên đã đánh dấu một giai đoạn mới trong động lực đầu tư giữa hai quốc gia. Trong nhiều thập kỷ, dòng vốn đã chỉ đi theo một chiều – từ Nhật Bản tới Trung Quốc – dẫn dắt bởi các công ty Nhật Bản xây dựng nhà máy tại Trung Quốc. Hoạt động đầu tư này vẫn được tiếp tục và thậm chí còn gia tăng khi các công ty Nhật Bản chạy trốn chi phí sản xuất ngày càng tăng tại nội địa.

Nhưng giờ, dòng vốn đang dịch chuyển theo cả chiều ngược lại, khi các công ty Nhật Bản – với doanh số nội địa thiệt hại nặng nề do sự đi xuống của thị trường trong khi hoạt động xuất khẩu chịu ảnh hưởng từ một đồng yên mạnh – tìm cách bỏ bớt những hoạt động không sinh lời hay huy động vốn để tái cơ cấu.

“Các công ty Nhật Bản từ lâu đã cho rằng họ sẽ không bị thôn tín bởi các công ty Trung Quốc”, Takashi Nomura, luật sư chuyên về các công ty Trung Quốc thuộc hãng luật Nishimura Asashi cho biết. “Giờ nhận được dòng vốn từ các công ty Trung Quốc và tìm tới sự giúp đỡ của họ trong việc thâm nhập vào thị trường Trung Quốc dường như trở thành một phương án khả thi.”

Sakae Takatsuka, chủ tịch NEC Personal Computers, công ty liên doanh trong đó Lenovo sở hữu 51%, cho biết các nhà điều hành NEC ban đầu khá lo lắng về việc hợp tác cùng công ty Trung Quốc, nhưng sau đó được đảm bảo bởi sự hiện diện trên toàn cầu của công ty này. “Khi chúng tôi tiếp nhận sức mạnh của các công ty toàn cầu như Lenovo, công nghệ của Nhật Bản nhận được động lực thúc đẩy.”

Khó có thể tính toán chính xác sự tăng trưởng của dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc vào Nhật Bản do hoạt động đầu tư thường được thực hiện thông qua một quốc gia thứ ba, như Singapore, Cayman Island và Hong Kong, một phần nhằm tránh việc thu hút sự chú ý và những tranh cãi.

Dòng vốn đầu tư ròng từ Trung Quốc đại lục đã chạm mức kỷ lục 27,6 tỷ yên (314,1 triệu USD) trong năm 2010, gấp 20 lần con số của 5 năm trước đó.

Tuy vậy, con số này vẫn khá khiêm tốn so với dòng vốn đầu tư từ những quốc gia khác như Mỹ, với tổng đầu tư là 278 tỷ yên. Hoạt động đầu tư từ tất cả các quốc gia vào Nhật Bản đã giảm mạnh trong năm ngoái do trận động đất và sóng thần hồi tháng 3 nhưng dường như đang phục hồi trở lại.

Các chuyên gia theo dõi những thương vụ riêng rẻ cho biết dòng tiền từ Trung Quốc đã gia tăng đáng kể. Từ tháng 4/2003 tới tháng 3/2011, các công ty Trung Quốc chiếm khoảng 89 trong tổng số 901 thương vụ đầu tư phối hợp bởi Tổ chức ngoại thương Nhật Bản Jetro, cơ quan xúc tiến đầu tư và thương mại của chính phủ. Con số này đưa Trung Quốc lên vị trí thứ 2, sau Mỹ với 272 thương vụ. Mikihiko Shimizu, giám đốc phụ trách xúc tiến đầu tư của Jetro cho biết ông kỳ vọng dòng tiền từ Trung Quốc vào Nhật Bản sẽ gia tăng trong thời gian tới.

Các công ty Trung Quốc đầu tư vào Nhật Bản thường bị thu hút bởi công nghệ và danh tiếng của các công ty mục tiêu, Kotaro Masuda, nhà nghiên cứu cao cấp thuộc Viện Đầu tư và Thương mại Quốc tế cho hay. “Họ muốn tận dụng công nghệ và hình ảnh thương hiệu của các công ty Nhật Bản để cạnh tranh tốt hơn với các đối thủ trong nước và gia tăng thị phần trên thị trường nội địa.”

Một số ngân hàng lớn của Nhật Bản như Mitsubishi UFJ Financial Group Inc đã mở rộng dịch vụ nhằm hỗ trợ các công ty Trung Quốc tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Nhật Bản.

Và chính phủ Nhật Bản cũng bắt đầu đưa ra những chính sách khuyến khích nhằm thu hút đầu tư nước ngoài, như việc giãn thuế cho các công ty nước ngoài thiết lập cơ sở nghiên cứu hay trụ sở địa phương tại Nhật Bản.

Báo động bởi làn sóng dịch chuyển của các nhà sản xuất Nhật Bản tới các quốc gia có chi phí sản xuất thấp hơn, một số chính quyền địa phương và cộng đồng doanh nghiệp đã thu hút các nhà đầu tư Trung Quốc – một động thái không tưởng trong quá khứ, do tâm lý bài ngoại có xu hướng bám sâu tại các địa phương ngoại trừ các thành phố lớn của Nhật Bản. Một số thỏa thuận đầu tư được sự hỗ trợ của Jetro, mặc dù nhỏ, đã được tiến hành ở một số quận vùng nông thôn Nhật Bản.

Nguồn WSJ/Stox


Sự kiện