Số lượng lao động từ 65 tuổi trở lên tại Nhật Bản dự kiến sẽ tiếp tục tăng lên mức kỷ lục 9,14 triệu người. Ảnh: CNBC.

 
Lam Ngọc Thứ Tư | 25/09/2024 16:37

Nhật Bản "toát mồ hôi" vì dân số già

Dù số người cao tuổi đạt kỷ lục, Nhật Bản đang phải giải quyết khủng hoảng thiếu lao động và sự suy giảm dân số nghiêm trọng.

Nhật Bản vừa kỷ niệm ngày “Kính Lão”, một dịp để người dân nước này bày tỏ lòng kính trọng đối với người cao tuổi. Tuy nhiên, số lượng người cao tuổi trong nước kỷ lục đang đặt ra nhiều thách thức đối với nền kinh tế Nhật. Dữ liệu được chính phủ công bố trước sự kiện cho thấy số lượng người Nhật từ 65 tuổi trở lên đã tăng lên mức cao nhất từ trước đến nay, đạt con số 36,25 triệu người.

Trái với xu hướng giảm của dân số Nhật, nhóm người từ 65 tuổi trở lên đã chiếm 29,3% dân số, tỉ lệ này cao hơn bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới, theo Cục Thống kê thuộc Bộ Nội vụ Nhật Bản.

Ông Robert Feldman, Cố vấn cấp cao tại Morgan Stanley MUFG Securities, nhận định dữ liệu trên càng làm dấy lên mối lo ngại về sự thay đổi cơ cấu dân số và tình trạng thiếu hụt lao động nghiêm trọng ở Nhật Bản. 

Một cuộc khảo sát gần đây từ Teikoku Databank đã chỉ ra rằng 51% các công ty tại Nhật Bản đang gặp khó khăn trong việc tuyển dụng nhân viên toàn thời gian. “Tình trạng thiếu hụt lao động vẫn không hề thuyên giảm”, ông Feldman nhận xét, đồng thời nhấn mạnh sự khan hiếm nhân công diễn ra nghiêm trọng hơn trong các ngành như dịch vụ ăn uống.

Dữ liệu từ Cục Thống kê cho thấy vào năm 2023, số lượng lao động từ 65 tuổi trở lên tại Nhật Bản dự kiến sẽ tiếp tục tăng lên mức kỷ lục 9,14 triệu người. Ông Feldman cảnh báo khi những người lao động cao tuổi này nghỉ hưu, sẽ không có đủ số lượng lao động trẻ để thay thế.

Không có giải pháp chung cho tất cả

Với xu hướng hiện tại, tỉ lệ người cao tuổi tại Nhật Bản dự kiến sẽ tiếp tục tăng và có thể đạt 34,8% vào năm 2040, theo Viện Nghiên cứu Dân số và An sinh Xã hội Quốc gia. Nghiên cứu gần đây từ Morgan Stanley của Feldman ước tính tổng lực lượng lao động của Nhật Bản có thể giảm từ khoảng 69,3 triệu người vào năm 2023 xuống còn khoảng 49,1 triệu vào năm 2050, dựa trên xu hướng dân số trước đây.

Chính phủ Nhật Bản đã nhận thức rõ tác hại kinh tế và xã hội tiềm tàng từ những xu hướng này và đã thực hiện các biện pháp phản ứng. Nhiều biện pháp đã được triển khai nhằm đảo ngược tình trạng giảm sinh, bao gồm việc cung cấp thêm kinh phí cho việc nuôi dưỡng con cái và hỗ trợ các cơ sở chăm sóc trẻ em. Các chính quyền địa phương thậm chí đã hỗ trợ các ứng dụng hẹn hò công cộng nhằm khuyến khích người Nhật kết hôn và sinh con.

Tuy nhiên, việc tăng tỉ lệ sinh không giải quyết được tình trạng thiếu hụt lao động trong ngắn hạn. Do đó, Nhật Bản đã mở cửa tiếp nhận nhiều lao động nước ngoài hơn trong những năm gần đây, và dự kiến số lượng lao động nước ngoài này sẽ đạt mức kỷ lục 2 triệu vào năm 2024. Ngoài ra, đất nước mặt trời mọc còn có kế hoạch tiếp nhận thêm 800.000 lao động trong 5 năm tới, theo các báo cáo địa phương.

Ông Feldman cho biết, để bù đắp những tổn thất nhân khẩu học được dự báo xảy ra ở Nhật trong những thập kỷ tới, nước này cần phải thu hút người lao động nước ngoài với tốc độ nhanh hơn rất nhiều, lên đến hàng chục triệu người. “Nhưng tôi không nghĩ điều đó sẽ xảy ra, có nghĩa là phần lớn sự suy giảm lực lượng lao động trong nước phải được bù đắp bằng cách nâng cao năng suất của những người trẻ còn lại”, ông nói.

Việc tạo ra tăng trưởng năng suất như vậy sẽ đòi hỏi phải đầu tư nhiều vốn hơn vào năng suất, bên cạnh triển khai các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (A.I) và tự động hóa. 

Để đạt được sự tăng trưởng năng suất này, cần phải đầu tư thêm vốn vào năng suất lao động và áp dụng các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI) và tự động hóa, ông nói thêm. Đầu năm nay, ông Carlos Casanova, Nhà kinh tế cấp cao khu vực châu Á tại UBP, cho biết công nghệ A.I thường được coi là giải pháp cho khủng hoảng dân số tại Nhật Bản, nhưng cho đến nay vẫn chưa mang lại nhiều hiệu quả.

“Chúng ta đang sống trong một xã hội ngày càng hướng đến tiêu dùng, vì vậy cần có một lực lượng lao động lớn kiếm tiền và tiêu dùng để duy trì đà tăng trưởng kinh tế. A.I có thể là một phần của giải pháp, nhưng vẫn còn nhiều điều khác cần làm”, ông Casanova nói, đồng thời đề xuất ngoài việc tăng cường nhập cư, Nhật Bản nên thực hiện các thay đổi xã hội và cơ cấu như tăng tỉ lệ tham gia lao động của phụ nữ.

Có thể bạn quan tâm:

Đầu tư cơ sở hạ tầng sẽ vượt qua bất động sản vào 2030

Nguồn CNBC