Nhật Bản thâm nhập sâu hơn vào thị trường Đông Nam Á
Với việc tăng cường viện trợ và đầu tư vào Đông Nam Á, Nhật Bản đang tham vọng tạo được tầm ảnh hưởng lớn ngang với Trung Quốc tại khu vực này. Một ví dụ điển hình là Lào, vốn là nước nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ láng giềng Trung Quốc. Nói cách khác, Trung Quốc là nước đầu tư lớn nhất vào Lào với đặc quyền trong lĩnh vực khai khoáng, thủy điện và nông nghiệp. Tuy nhiên, với các dự án đầu tư lớn tại Lào, như xây dựng khu công nghiệp, cầu bắc qua sông Mekong sang Thái Lan và nâng cấp đường cao tốc tới biên giới với Việt Nam, Nhật Bản đang dần thay đổi "cuộc chơi". Lào thậm chí có thể trở thành trung tâm vận tải của một số doanh nghiệp Nhật Bản.
Ngoài Lào, Việt Nam cũng nhận được khoản hỗ trợ khổng lồ 1,7 tỷ USD từ Nhật Bản trong năm 2012, tăng khoảng 0,67% so với năm trước đó. Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng tăng cường hỗ trợ cho Campuchia và Myanmar - từng là "đồng minh" của Trung Quốc.
So với Thái Lan và Trung Quốc, thị trường Lào và Campuchia có nguồn lao động rẻ hơn. Hiện tại, mức lương trung bình tại Thái Lan đã tăng khoảng 40% sau đợt tăng lương tối thiểu 2 năm trước và thường xuyên bị thiếu hụt lao động. Mặc dù không có định rời khỏi thị trường Thái Lan nhưng các doanh nghiệp Nhật Bản vẫn đang tìm cách chuyển các hoạt động kinh doanh cần sử dụng nhiều lao động sang các nước xung quanh để giảm chi phí sản xuất.
Năm 2013, Nhật Bản đầu tư tổng 127 triệu USD vào Campuchia, tăng 0,75% so với năm 2012. Trong khi đó, tổng vốn đầu tư của Nhật Bản vào Lào cũng tăng mạnh lên 406 triệu USD trong năm 2013 so với 27,5 triệu USD trong năm trước đó.
Ngoài Lào và Campuchia, các doanh nghiệp Nhật Bản cũng rất quan tâm đến thị trường Myanmar - quốc gia đang nỗ lực để thoát khỏi cái "bóng" của Trung Quốc. Đến nay, Nhật Bản đã đầu tư vào phát triển khu công nghiệp ở phía nam của tỉnh Yangon nhưng kế hoạch đầu tư này đã gặp phải trở ngại do một số vấn đề về cơ sở hạ tầng.