Nợ của Trung Quốc cũng tăng mạnh, từ 270% GDP trong quý cuối năm 2019 lên 300% GDP tính đến quý I/2023. Ảnh: Nikkei Asia.

 
Bảo Hân Thứ Tư | 27/12/2023 15:55

Nhật Bản: Tấm gương giải quyết giảm phát dành cho Trung Quốc

Các chuyên gia cho rằng, Trung Quốc phải nhanh chóng xác định cuộc khủng hoảng, tránh do dự và dao động liên tục trong việc nới lỏng chính sách tiền tệ.

Nhật Bản cuối cùng cũng thoát ra khỏi vũng lầy giảm phát sau gần 3 thập kỷ, khi tiền lương bắt đầu tăng mạnh và xuất hiện dấu hiệu của lạm phát. Theo Nikkei Asia, khi Trung Quốc phải đối mặt với những thách thức tương tự như nước láng giềng 30 năm trước, kinh nghiệm của Nhật Bản có thể mang lại bài học cho các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc về cách chống lại tình trạng trì trệ kéo dài.

Để làm được như vậy, Trung Quốc phải nhanh chóng xác định cuộc khủng hoảng, đồng thời tránh do dự và dao động liên tục trong việc nới lỏng chính sách tiền tệ, ông Xing Yuqing, Giáo sư kinh tế tại Viện Nghiên cứu Chính sách ở Tokyo, cho biết.

Theo ông Tatsuhito Tokuchi, Nhà nghiên cứu tại Trung tâm Phát triển Công nghiệp và Quản lý Môi trường của Đại học Thanh Hoa, Nhật Bản đã quá chậm trong việc ứng phó với tình trạng rơi vào giảm phát. Ông nói việc nền kinh tế đi xuống đã có thể đảo ngược trong hai hoặc ba năm nếu không có những trở ngại về thể chế, pháp lý và văn hóa khiến việc hành động bị trì hoãn.

Bong bóng tài sản của Nhật Bản

Sau nhiều năm tăng trưởng kinh tế kỷ lục sau chiến tranh, cùng với việc nới lỏng tiền tệ trong suốt nửa cuối thập niên 1980, Nhật Bản đã tạo ra thu nhập bình quân đầu người vượt quá hầu hết các nước phát triển vào năm 1990. Thị trường chứng khoán Nhật Bản đạt mức cao nhất mọi thời đại ở mức cuối năm 1989, trong khi giá đất thương mại tăng gấp ba lần từ năm 1985-1991, và giá trị bất động sản nhà ở tăng gần gấp đôi.

 

Cố gắng giảm bớt tình trạng đầu cơ và kiểm soát lạm phát, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đã tăng mạnh lãi suất chiết khấu 5 lần, từ 2,5% vào tháng 4/1989 lên 6% vào tháng 8/1990, làm vỡ bong bóng và khiến chứng khoán Nhật Bản sụt giảm. 

Các khoản cho vay bất động sản cũng được thắt chặt. Tháng 3/1990, Bộ Tài chính áp đặt các hạn chế đối với việc cho vay bất động sản và yêu cầu các ngân hàng báo cáo tình trạng khoản vay. Một cựu quan chức Bộ Tài chính cho biết, các giới hạn cho vay này tương tự như những giới hạn mà Trung Quốc thực hiện vào năm 2020.

Đến cuối năm 1991, giá bất động sản bắt đầu giảm. Đến năm 2004, giá đất giảm xuống còn 1/8 so với thời kỳ đỉnh cao. Vào thời điểm đó, nhiều người coi sự sụt giảm giá là tích cực, theo cuốn sách "Nền kinh tế Nhật Bản" của Takatoshi Ito, Giáo sư về các vấn đề công và quốc tế tại Đại học Columbia ở New York, và ông Takeo Hoshi, một nhà kinh tế học tại Đại học Tokyo.

Thế nhưng tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm của Nhật Bản trong suốt những năm 1990 ở mức 1,5%, tụt hậu so với các nền kinh tế khác trên thế giới. Sự suy thoái tiếp tục kéo dài hơn 10 năm, làm nảy sinh thuật ngữ "thập kỷ mất mát", sau này trở thành "20 năm mất mát" và "30 năm mất mát".

Ông Ito và Hoshi viết: Nhìn nhận lại, Ngân hàng Trung ương đã không xem xét đầy đủ tác động tiêu cực cuối cùng của việc vỡ bong bóng đối với sự ổn định tài chính và có thể đã sai lầm khi tiếp tục chính sách thắt chặt sau khi bong bóng bắt đầu xẹp xuống.

Nợ xấu

Bong bóng bất động sản vỡ đã khiến các ngân hàng và công ty bảo hiểm Nhật Bản phải gánh chịu quá nhiều khoản nợ khó đòi. Đến năm 1995, nhiều nhà kinh tế và chuyên gia tài chính nhận thấy rõ vấn đề nghiêm trọng nhất mà Nhật Bản phải đối mặt là nợ xấu trong lĩnh vực ngân hàng.

Theo cựu quan chức Bộ Tài chính, ban đầu, chính phủ ước tính tổng số nợ xấu là 30 nghìn tỉ yên (211 tỉ USD) và dự kiến ​​sẽ mất tối đa 5 năm để các ngân hàng lớn có thể bù đắp khoản lỗ này. Cựu quan chức này cho biết, khi các ngân hàng buộc phải xóa khoảng 885 tỉ USD nợ vào thời điểm đó, trong khi thực hiện các biện pháp quyết liệt để giảm thiểu rủi ro, họ nhận thấy quy mô của các khoản nợ vượt quá khả năng giải quyết.

 

Cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn đối với Nhật Bản. Năm 1998, hai cải cách quản lý tài chính quan trọng, Đạo luật Tái thiết Tài chính và Đạo luật Tái cấp vốn nhanh, đã được thông qua tại Nhật Bản, cho phép chính phủ sử dụng 30 nghìn tỉ yên công quỹ để bảo vệ người gửi tiền của các ngân hàng đổ vỡ và hỗ trợ cho các ngân hàng gặp khó khăn.

Bước ngoặt xảy ra sau khi ông Heizo Takenaka được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ dịch vụ tài chính. Ông đã thúc đẩy Chương trình Phục hồi Tài chính, được gọi là Kế hoạch Takenaka, yêu cầu tăng vốn ngân hàng, định giá tài sản và giám sát chặt chẽ hơn. Kết quả là các ngân hàng Nhật Bản đã dọn sạch tài sản xấu trị giá khoảng 90 nghìn tỉ yên, con số này tương đương với 90% tổng số khoản vay của các ngân hàng Nhật Bản từ năm 1985 đến năm 1989.

Nhưng chính phủ phải mất 15 năm mới giải quyết được các khoản nợ khó đòi. Ông Ito cho biết, nếu Bộ Tài chính xử lý dứt điểm hơn vấn đề nợ xấu vào giữa những năm 1990 thì Nhật Bản đã không phải trải qua cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng như thế này.

Chi tiêu chính phủ

Những nỗ lực của chính phủ Nhật Bản nhằm giải quyết nhu cầu yếu mang lại những bài học quý giá cho Trung Quốc, vì các hộ gia đình ở cả hai nước đều có tỉ lệ tiết kiệm cao và không muốn chi tiêu.

Ông Xing tại Viện nghiên cứu chính sách quốc gia cho biết: “Nếu các hộ gia đình và doanh nghiệp không chi tiêu, chính phủ nên chi tiêu thay họ”.

Ông Tokuchi cho biết, sau khi bong bóng vỡ, chi tiêu của chính phủ Nhật Bản tăng nhanh để kích thích tăng trưởng, nhưng phần lớn trong số đó được đầu tư vào cơ sở hạ tầng kém hiệu quả.

Giống như Trung Quốc ngày nay, khu vực tư nhân của Nhật Bản có lượng tiết kiệm dồi dào nhưng lại không có đủ đầu tư. Ông Zhang Bin, Phó Giám đốc Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho biết nợ chính phủ tăng sẽ thúc đẩy tăng trưởng sản lượng và việc làm mà không dẫn đến lạm phát, nhu cầu quá mức hoặc đe dọa tín dụng của chính phủ.

 

Nợ của Trung Quốc cũng tăng mạnh, từ 270% GDP trong quý cuối năm 2019 lên 300% GDP tính đến quý I/2023.

Ông Zhang nói: “Tất nhiên, cách lý tưởng là khu vực tư nhân, chứ không phải chính phủ, đầu tư nhiều hơn. Nhưng thực tế là chúng tôi không thể làm được điều đó trong ngắn hạn và chúng tôi cần chi tiêu chính phủ nhiều hơn”. Ông chỉ ra rằng mục tiêu vay nợ của chính phủ để tăng chi tiêu là cải thiện dòng tiền và lợi nhuận của khu vực tư nhân, giúp khu vực tư nhân có bảng cân đối kế toán tốt hơn, có thể tăng thêm đầu tư và khôi phục động lực tăng trưởng kinh tế.

Việc mở rộng tài chính của Trung Quốc nên tập trung vào chi tiêu hiệu quả hơn trong các lĩnh vực như giáo dục, chăm sóc sức khỏe, chăm sóc người già và phúc lợi cho người lao động nhập cư, nhằm giảm bớt lo lắng của người dân thành thị và nông thôn về tương lai, đồng thời khuyến khích phục hồi tiêu dùng và đầu tư, ông Xing nói.

Ông Tokuchi cho biết, so với Nhật Bản, Trung Quốc có lợi thế về tính hiệu quả trong quá trình ra quyết định. Tuy nhiên, ông cho rằng, chìa khóa để có chính sách hiệu quả là phải có định hướng đúng đắn. Ông nói: “Bài học mà Trung Quốc nên học là khi nói đến các gói cứu trợ, họ phải quyết đoán”.

Có thể bạn quan tâm: 

Dòng vốn tiếp tục "tháo chạy" khỏi Trung Quốc

Nguồn Nikkei Asia