Nhật Bản sẽ đơn phương can thiệp thị trường tiền tệ thời hậu Brexit
Việc can thiệp sẽ được tiến hành nếu nhu cầu yên bất ngờ tăng mạnh sau khi người dân Anh bỏ phiếu ủng hộ việc ra khỏi EU (Brexit) và có đủ áp lực lên nền kinh tế cũng như lạm phát, tờ Nikkei đưa tin hôm thứ Bảy 25/6. Tờ Nikkei cũng dẫn lời một quan chức Bộ Tài chính Nhật Bản cho biết, Nhật Bản có thể hành động mà không cần sự đồng thuận của Mỹ trong “cuộc chiến” bảo vệ “lợi ích quốc gia”.
Giới chức Nhật Bản đã lên tiếng bày tỏ lo ngại khi yên vượt ngưỡng 100 JPY/USD lần đầu tiên kể từ tháng 11/2013 khi người Anh bỏ phiếu ủng hộ việc ra khỏi EU hôm 23/6 vừa qua. Tuy Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso tuyên bố ông đã sẵn sàng hành động nếu cần thiết, song ông cũng từ chối bình luận về khả năng can thiệp đơn phương hoặc hành động hợp tác với đối tác G7.
Ông Taro Aso coi việc đơn phương can thiệp là công cụ không chắc xảy ra trong trường hợp yên tăng giá mạnh nếu người Anh bỏ phiếu ủng hộ việc ra khỏi EU, Bloomberg dẫn nguồn tin thân cận cho biết trước cuộc bỏ phiếu của người Anh hôm 23/6. Việc can thiệp có sự hợp tác với nhóm G7 sẽ được ưu tiên.
Bộ trưởng Tài chính các nước G7 hôm thứ Sáu 24/6 tuyên bố sẽ “tiếp tục theo sát diễn biến thị trường và sự ổn định tài chính cũng như hợp tác khi thích hợp”. Các quan chức cũng nhận thấy rằng “sự biến động bất thường về tỷ giá” có thể gây hại cho sự ổn định kinh tế và tài chính, và cam kết sử dụng “công cụ thanh khoản” để hỗ trợ chức năng của thị trường.
Hôm thứ Sáu 24/6, yên Nhật tăng 7,2% so với USD lên 99,02 JPY/USD đồng thời tăng so với 16 đồng tiền chủ chốt trong giỏ tiền tệ.
Sau 4 năm giảm liên tiếp, yên đã tăng 18% từ đầu năm đến nay so với đồng bạc xanh trong bối cảnh lo ngại Brexit sẽ kéo giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Đầu năm nay, yên tăng giá do đồn đoán tăng trưởng kinh tế Trung Quốc và Mỹ đều giảm tốc.
Nhật Trường
Nguồn Bloomberg