Nhật Bản rơi vào bẫy kích thích
Để thúc đẩy kinh tế phục hồi, chính quyền của thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã đưa ra gói kích thích kinh tế trị giá 10,3 nghìn tỷ yên (114 tỷ USD), khoảng 2,2% GDP và hối thúc ngân hàng trung ương nới lỏng tiền tệ.
Những năm qua, chính phủ Nhật Bản áp dụng các biện pháp kích thích kinh tế. Kể từ năm 1995, thâm hụt ngân sách Nhật Bản trung bình là 6% GDP, đó là lý do tại sao nợ công tăng mạnh.
Nhật Bản đã hai lần nới lỏng định lượng – bơm tiền vào nền kinh tế - một gói từ năm 2001 đến 2006 và gói khác từ 2009 đến nay.
Tuy nhiên, yên tăng giá khiến hàng hóa Nhật Bản trở nên đắt đỏ hơn. Trong khi đó, sự nổi lên của các nhà sản xuất châu Á giá rẻ đã lấy dần lợi thế xuất khẩu của Nhật Bản.
Đà tăng trưởng kinh tế Nhật Bản do đó cũng chậm lại. Chương trình kích thích trở thành cứu cánh cho kinh tế Nhật Bản.
Ở Mỹ, gói kích thích 2009 có tác dụng là bước đệm để nền kinh tế phục hồi tuy nhiên, ở Nhật Bản dường như không có bước chuyển tiếp này. Suốt giai đoạn 2002-2007, kinh tế Nhật Bản phụ thuộc nặng nề vào đồng yên giá rẻ để phục hồi mô hình tăng trưởng kinh tế dựa vào xuất khẩu và hậu quả là khủng hoảng tài chính năm 2008-2009.
Kích thích lại giống như một liều thuốc gây nghiện. Người ta sẽ cảm thấy sảng khoái trong thời gian nhất định nhưng hậu quả của nó thì khôn lường. Kinh tế Nhật Bản cần một giải pháp mới, nhưng nếu có quá nhiều giải pháp sẽ gây ra nhiều vấn đề như nợ công cao, bong bóng tài sản, lạm phát. Thực tế, điều này đã xảy ra với Nhật Bản hay Nhật Bản đã rơi vào cái bẫy kích thích, cần kích thích để tăng trưởng.
Mặt khác, nợ từ các gói kích thích trước đang đe dọa triển vọng tăng trưởng của Nhật Bản. Khoảng 95% nợ chính phủ do nhà đầu tư Nhật Bản giữ. Nếu nhà đầu tư mất kiên nhẫn và “tẩy chay” trái phiếu Nhật Bản, kinh tế nước này có thể đổ vỡ.
Nguồn NYTimes/Khampha