Nhật Bản nỗ lực duy trì các thỏa thuận đạt được của TPP-12
Trong một động thái nhằm thúc đẩy Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà không có Hoa Kỳ, hay còn gọi là TPP-11, Nhật Bản sẽ nỗ lực thuyết phục các quốc gia thành viên khác tuân thủ các thỏa thuận thương mại và thuế quan đã đạt được trong khuôn khổ 12 quốc gia trước đó, để tránh phải đàm phán lại.
Chính phủ Nhật Bản sẽ thể hiện mong muốn duy trì khuôn khổ hiện tại khi đại diện của 11 nước họp tại Canada trong hai ngày vào đầu tháng 5. Nhật Bản sẽ nỗ lực đảm bảo sự thống nhất giữa các nước TPP-11 tại một cuộc họp cấp bộ trưởng ở Việt Nam vào cuối tháng 5 và đạt được một sự nhất trí trong tháng 11 khi các vị đứng đầu chính phủ gặp nhau tại Hội nghị Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC).
Phó Thủ tướng Nhật Taro Aso cho biết hôm qua (20/4) rằng các nước sẽ tổ chức đàm phán để thực thi TPP mà không có Mỹ. Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Akio Mimura hoan nghênh động thái này, và nói đây sẽ là một bước tiến quan trọng, “nếu Nhật Bản củng cố lập trường của mình”.
Tiến trình TPP đã bị ngưng lại từ khi Mỹ đã rút khỏi hiệp định này theo quyết định của Tổng thống Donald Trump. Sự rút lui của nhân tố chủ chốt này có nghĩa là các nước còn lại phải tự tìm cho mình một thoả thuận mới.
Nhật ban đầu khá lưỡng lự nhưng cuối cùng đã quyết định vẫn tiếp tục theo đuổi TPP mà không có Mỹ. Các nước như Úc, New Zealand, Canada, Mexico và Singapore cũng có cùng quan điểm về tiếp tục theo đuổi TPP, và sẽ cố gắng giữ lại các quy tắc đã được thống nhất trước đó càng nhiều càng tốt.
Bất chấp việc rút lui của Mỹ, Nhật Bản vẫn cho rằng nước này và khu vực sẽ được hưởng lợi từ các thỏa thuận trước đây về thương mại điện tử và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
Đồng thời, Nhật Bản và Úc sẽ giám sát chặt chẽ những diễn biến ở Mỹ. Nước này sẽ có cuộc bầu cử quốc hội giữa kỳ vào năm 2018, và một số thành viên trong chính phủ Nhật Bản cho rằng ông Trump có thể nới lỏng chủ nghĩa bảo hộ của mình nếu phe ủng hộ thương mại của Đảng Cộng hòa giành chiến thắng.
Dù Phó Tổng thống Mike Pence gần đây gọi TPP là "đã là quá khứ" đối với Mỹ, Nhật vẫn hy vọng Mỹ quay lại.
Tuy nhiên, một số quốc gia có thể sẽ yêu cầu điều chỉnh các thỏa thuận đã đạt được với TPP-12. Việt Nam và Malaysia đã đồng ý sửa đổi những luật lệ liên quan đến các doanh nghiệp nhà nước và giảm bớt các quy định với một số ngành, bao gồm truyền thông, bán lẻ và tài chính để đổi lấy quyền tiếp cận thị trường Hoa Kỳ.
Đặc biệt, Việt Nam, vốn trước đó đã giành được sự nhượng bộ của Hoa Kỳ cho việc giảm thuế đối với sản phẩm dệt may thông qua TPP, nay đang chuyển hướng sang một hiệp định tự do thương mại song phương.
Trong khi đó, Peru và Chile đang bày tỏ ý định muốn mời Trung Quốc tham gia vào TPP.
Bá Ước
Nguồn Nikkei Asian Review