Giá trị của thị trường hydro sạch dự kiến sẽ tăng vọt trên toàn thế giới khi các chính phủ và công ty đổ xô khai thác nguồn năng lượng này. Ảnh:Yoshiko Kawano.
Nhật Bản liên tục bị bỏ lại trong cuộc đua năng lượng sạch
Cách đây 50 năm, Nhật Bản, quay cuồng vì giá dầu tăng vọt, đã bắt đầu nghiên cứu cách phát triển một nguồn năng lượng hiện được thế giới yêu thích cho các chiến lược khử carbon trong tương lai: hydro.
Các chuyên gia cho biết, đi trước thời đại hàng thập kỷ thế nhưng Nhật Bản hiện đang phải đối mặt với một rủi ro quá quen thuộc. Giống như công nghệ pin và tấm pin năng lượng mặt trời, quốc gia này phải đối mặt với các đối thủ quá năng động – Liên minh châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc và Trung Quốc,
Mặc dù chi phí sản xuất làm nhiên liệu vẫn còn đắt đỏ, song hydro đã trở thành nguồn năng lượng tiềm năng được ưa chuộng trên toàn cầu vì nó xuất hiện trong tự nhiên, sẵn có và - quan trọng là - không thải ra carbon dioxide khi đốt cháy. Trong khi hầu hết hydro hiện được sản xuất bằng khí tự nhiên hoặc than trong các quy trình thải ra carbon, các công nghệ mới để tạo ra nhiên liệu có ít khí thải hơn đang nhanh chóng được phát triển.
Hydro có thể được lưu trữ, vận chuyển và sử dụng để cung cấp điện hoặc làm nhiên liệu trong công nghiệp nặng và ô tô. Theo công ty tư vấn Deloitte, thị trường hydro sạch dự kiến sẽ đứng đầu về giá trị thương mại khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) vào năm 2030 và tăng thêm lên 1,4 nghìn tỉ USD mỗi năm vào năm 2050.
Trong khi Nhật Bản tự hào là nước đầu tiên đưa ra chiến lược quốc gia về hydro vào năm 2017, thì chính phủ hiện chỉ đang chuẩn bị một chương trình khuyến khích mạnh mẽ cho các doanh nghiệp trong nước, như Toyota Motor và Mitsubishi Heavy Industries đến Asahi Kasei, còn Toray Industries đã lập kế hoạch của riêng mình.
Một chiếc xe đang nạp nhiên liệu tại một trạm hydro ở Fukuoka, Nhật Bản. Ảnh: Shinya Sawai. |
Trong khi đó, hơn 40 chính phủ, từ Đức, Mỹ đến Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil, đã áp dụng các lộ trình như vậy, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế. Và dữ liệu bằng sáng chế được IEA phân tích cho thấy sức mạnh của Nhật Bản có thể bị đe dọa.
Ông Kazunari Sasaki, giáo sư nổi tiếng nghiên cứu về hydro tại Đại học Kyushu của Nhật Bản, cho biết: “Nhật Bản cần chuyển hướng về chính sách hydro."
Là thành viên của ủy ban chính phủ về chính sách nhiên liệu sạch, ông Sasaki cho biết Nhật Bản “đã làm rất tốt trong việc cải tiến đều đặn các công nghệ hydro”. Nhưng ông cảnh báo, “Các đối tác nước ngoài đang áp sát từ phía sau bằng chiến lược của riêng họ, nhằm mục đích mở rộng việc sử dụng hydro với tốc độ và quy mô đáng kể”. Nếu không có cùng động lực, “Nhật Bản có thể tụt lại phía sau so với nhóm dẫn đầu”.
Mặc dù cho đến nay, vị trí dẫn đầu của Nhật Bản trong nghiên cứu và phát triển công nghệ hydro là không có gì phải bàn cãi, nhưng khoảng cách giữa điều đó và việc thực thi chính sách đang ngày càng lớn.
Theo IEA, Nhật Bản là quốc gia dẫn đầu về cấp bằng sáng chế hydro toàn cầu trong giai đoạn 2011-2021, chiếm 24% số đơn xin cấp bằng sáng chế quốc tế. Các quốc gia thành viên EU cộng lại chiếm 28%, dẫn đầu là Đức chiếm 12% tổng số toàn cầu. Mỹ theo sau hai khu vực ở mức 19%.
Số lượng bằng sáng chế liên quan đến Hydro trên toàn cầu. Ảnh: Nikkei Asia. |
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, điều còn thiếu cho đến nay là hành động chính sách mạnh mẽ giúp các công ty hiểu rõ hơn về môi trường kinh doanh trong tương lai, khuyến khích họ đầu tư.
Ví dụ, EU vào năm 2022 đặt mục tiêu sản xuất 10 triệu tấn hydro trong khu vực và nhập khẩu thêm 10 triệu tấn vào năm 2030. EU đã phê duyệt các dự án liên quan huy động hơn 26 tỉ euro (28,3 tỉ USD) đầu tư công và tư nhân, đưa ra kế hoạch trợ cấp sản xuất hydro.
Mỹ cũng đặt mục tiêu sản xuất khoảng 10 triệu tấn vào năm 2030. Nước này đã công bố các khoản tín dụng thuế cho các nhà sản xuất hydro và có kế hoạch rót 7 tỉ USD tài trợ liên bang vào 7 dự án để giúp phát triển các trung tâm sản xuất quốc gia.
Chính phủ Nhật Bản đặt mục tiêu tăng lượng hydro tiêu thụ hàng năm từ 2 triệu tấn hiện nay lên 3 triệu tấn vào năm 2030 và 12 triệu tấn vào năm 2040, nhưng vẫn chưa làm rõ điều này sẽ đạt được như thế nào.
Họ đã công bố tham vọng thu hút ít nhất 15 nghìn tỉ yên (102 tỉ USD) đầu tư công và tư nhân trong 15 năm tới vào việc sản xuất, vận chuyển hoặc sử dụng hydro. Nhưng các chính sách như thanh toán chênh lệch giá giữa hydro và LNG đắt đỏ, cũng như tài trợ cho các dự án nhằm phát triển các trung tâm sản xuất hydro trong khu vực hiện mới bắt đầu được tranh luận trong Quốc hội.
Đối với giáo sư Sasaki của Đại học Kyushu, “Việc dẫn đầu thị trường của Nhật Bản sẽ bị các nước khác chiếm lấy, giống như năng lượng mặt trời và pin”.
Đối với hai công nghệ này, vị trí dẫn đầu ban đầu của Nhật Bản đã bị Trung Quốc và Hàn Quốc vượt qua, với các công ty như CATL và LG Energy Solution - và hai nước này hiện đang tăng cường sự hiện diện của mình trong lĩnh vực hydro. Theo IEA, dữ liệu cấp bằng sáng chế toàn cầu cho thấy Hàn Quốc đang tăng trưởng với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm “đáng chú ý” là 14% kể từ năm 2001, chiếm 8% tổng số đơn đăng ký từ năm 2011 đến năm 2021. Cơ quan này cho biết hoạt động của Trung Quốc cũng “đang gia tăng”.
Trung Quốc đã nắm quyền kiểm soát các giai đoạn thượng nguồn quan trọng của chuỗi cung ứng hydro, làm lu mờ các công nghệ khác liên quan đến sản xuất nhiên liệu. Quốc gia này đang nhanh chóng phát triển các máy điện phân nước - thiết bị tạo ra hydro "xanh" rất quan trọng để biến nhiên liệu thành một công cụ khử carbon.
Theo IEA, vào năm 2023, các thiết bị điện phân nước của Trung Quốc có thể chiếm một nửa công suất toàn cầu hiện có ở mức 1,2 gigawatt và nước này “sẵn sàng củng cố thêm vị trí dẫn đầu của mình”.
Tokyo sẽ đuổi theo Bắc Kinh, với việc chính phủ đặt mục tiêu đưa các thiết bị của Nhật Bản chiếm 11% công suất toàn cầu vào năm 2030 và xem xét hỗ trợ tài chính để đạt được điều này.
Có thể bạn quan tâm:
Giá chip tại châu Á vẫn "bỏng tay" vì lệnh cấm của Mỹ và cơn sốt A.I
Nguồn Nikkei Asia