Nhật Bản lần đầu tiên phóng vệ tinh thương mại
Việc phóng tên lửa H-2A của Nhật Bản với một vệ tinh của Hàn Quốc ngoài khơi phía Nam Nhật Bản đánh dấu kỷ nguyên không gian của nước này cũng như tập đoàn Mitsubishi, nhà sản xuất loại tên lửa mới.
Giáo sư an ninh quốc gia tại trường Naval Postgraduate tại Monterey, ông Clay Moltz cho biết: "Trước kia, chi phí lao động và nguyên liệu cao đã ngăn cản ngành công nghiệp tên lửa Nhật Bản giữ được thị phần trên thị trường quốc tế, nhưng giờ đây họ hoàn toàn có thể cạnh tranh được với hãng Proton của Nga và nhiều hãng khác."
Trong nhiều năm qua, khi Tokyo cho thu hẹp chính sách công nghiệp của mình, chương trình không gian vẫn còn là sự lai tạp giữa lợi ích công cộng và lợi ích khu vực tư nhân. Ngoài ra, động lực chính của cơ quan không gian Nhật Bản không gì khác là đảm bảo vệ tinh của nước này bay đúng quỹ đạo.
Tuy nhiên, hãng Mitsubishi cho rằng Chính phủ Nhật Bản cần mở rộng phạm vi chương trình không gian ra khỏi những đơn đặc hàng giá trị thấp để duy trì sự bền vững cho ngành công nghiệp không gian.
Loại tên lửa H-2A của Nhật Bản có tỷ lệ thành công đáng nể, trên 95%. Đó chính là lợi thế giúp ngành công nghiệp không gian Nhật Bản thu hút được những khách hàng có nhu cầu phóng các vệ tinh lớn lên quỹ đạo. Tên lửa H-2A cũng đánh dầu một bước tiến quan trọng trong công nghệ tên lửa Nhật Bản.
Tuy nhiên, Nhật Bản sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các nhà cung cấp dịch vụ tên lửa gạo cội như Arianespace của Pháp và Proton của Nga. Bên cạnh đó, cũng có nhiều nước đang khởi động kế hoạch kinh doanh không gian của mình như Ấn Độ và Mỹ.
Kể từ khi tiếp quản chương trình không gian từ Cơ quan thám hiểm không gian của Nhật Bản (JAXA) trong năm 2007, hãng Mitsubishi đã nhận được hơn 100 yêu cầu từ các khách hàng tiềm năng. Tuy nhiên, mới chỉ có một hợp đồng với cơ quan hàng không Hàn Quốc được ký.
Hiện tại, để khắc phục những yếu điểm trong cạnh tranh về giá, Nhật Bản đang nhắm đến các thị trường tại những quốc gia mới nổi đang có nhu cầu về dịch vụ phóng tên lửa cũng như các hệ thống kiểm soát mặt đất như radar.
Nhật Bản cũng đang xúc tiến triển khai kế hoạch đầy tham vọng phát triển thế hệ tên lửa H-3 mới. Dự kiến kế hoạch sẽ được khởi động vào năm 2022.
Nguồn WSJ/DVT