Chủ Nhật | 11/08/2013 09:51

Nhật Bản: Khi nợ công "thử lửa" tinh thần Samurai

Quả bom nợ hơn 1 triệu tỷ yên có thể biến Nhật Bản thành “Hy Lạp của châu Á”, nếu thiếu đi lòng yêu nước của chính những người dân.

Vì sao 1 triệu tỷ yên không quật ngã nổi Nhật Bản?

Ngày thứ 6 tuần qua (9/8), Bộ Tài chính Nhật Bản công bố nợ công tính đến ngày 30/6/2013 lần đầu tiên đã vượt qua con số 1 triệu tỷ yên (tương đương 10,46 nghìn tỷ USD).

Về tuyệt đối, theo tính toán của Bloomberg, tổng nợ công của Nhật Bản còn lớn hơn cả quy mô kinh tế của cả Đức, Pháp và Anh cộng lại.

Về tương đối, tỷ lệ nợ công trên GDP của Nhật cũng lập kỉ lục mới, xấp xỉ 245% GDP. Trong khi tỷ lệ nợ công từng đưa Hy Lạp lâm vào khủng hoảng thấp hơn gần một nửa (126,8% GDP).

Con số này cao hơn nhiều so với các nước châu Âu đã lâm vào cuộc khủng hoảng nợ công, như Hy Lạp, Iceland, Bồ Đào Nha,... nhưng lạ là Nhật Bản vẫn chưa sụp đổ.

Điều duy nhất khiến cho Tokyo chưa lâm vào tính cảnh như Athen 3 năm trước là bởi, có đến 95% nợ công của Nhật Bản nằm trong tay các chủ nợ nội địa – những người giàu lòng yêu nước và không muốn gây áp lực thái quá lên chính quyền.

Còn những chủ nợ nước ngoài sở hữu 5% còn lại, không có nhiều tiếng nói trong công cuộc cải cách của Nhật Bản, vì chính Nhật Bản lại là đất nước cho vay ra nước ngoài rất nhiều.

Tuy việc nói Nhật Bản đang “lạm dụng” lòng yêu nước có vẻ hơi quá, nhưng quả thật, không có sự nhẫn nại và bình tĩnh của các chủ nợ trong nước thì con số nợ công trên GDP mới công bố chắc chắn có thể khiến bất kì nền kinh tế lớn nào sụp đổ.

Không ở trong “đất nước mặt trời mọc” thì có lẽ ai cũng phải giật mình vì con số nợ công của Nhật Bản. Nhưng người Nhật đã quen với những số liệu nợ công chưa bao giờ giảm kể từ những năm 1990 của “thập kỷ mất mát”.

Sau đó, nợ công tiếp tục tăng nhanh để tài trợ cho các chương trình kích thích kinh tế nhằm chống lại cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Còn bây giờ, có một lý do chính đáng để các chủ nợ giàu lòng yêu nước còn kiên nhẫn, triển vọng phục hưng nền kinh tế của Abenomics.

Mối quan hệ giữa Abenomics và vấn đề nợ công đã bị đặt dấu hỏi khi giới quan sát quốc tế từng tự hỏi, liệu thủ tướng Shinzo Abe đã bỏ quên nợ công khi bắn đi ba mũi tên chính sách trong Abenomics?

Bất chấp nợ công cao, trong năm ngoái Nhật Bản chính thức công bố gói kích thích kinh tế lớn nhất của chính phủ kể từ năm 2009, với tổng giá trị lên đến 20.200 tỷ yên (tương đương 226,5 tỷ USD) nhằm vực dậy nền kinh tế.

Tháng 5/2013, Nhật Bản tiếp tục kích hoạt khoản ngân sách khổng lồ 92.610 tỷ yên (tương đương 906,2 tỷ USD) để tập trung cho các công trình công cộng nhằm tạo đòn bảy vực dậy nền kinh tế.

Phải chăng chính quyền Nhật Bản đang “vung tay quá trán” mà quên mất vấn đề nợ công đang ngày càng trầm trọng. Hàng loạt quyết sách đưa ra trong tuần qua đã trả lời cho tất cả.

Abenomics bắt đầu giải quyết nợ công như thế nào?

Abenomics kiểm soát nợ công bằng cách tăng thuế, cắt giảm chi tiêu chính phủ và định giá thấp đồng nội tệ.
Kế hoạch tài chính trung hạn của Chính phủ Nhật Bản đưa ra chủ trương cắt giảm 8.000 tỷ yên (83 tỷ USD) trong giai đoạn từ tháng 4/2014 tới tháng 3/2016. Cụ thể, trong vòng 2 năm tới, Nhật Bản cam kết cắt giảm chi tiêu tới 83 tỷ USD.

Đi đôi với mức cắt giảm 4% chi tiêu hàng năm, chính phủ Nhật Bản còn tính đến chuyện tăng thuế tiêu dùng từ 5% lên 8% vào tháng 4 năm sau và tăng lên 10% vào năm 2015.

Rõ ràng, xu hướng thắt chặt tài khóa tại Nhật Bản đang hiện rõ. Chính phủ buộc phải tăng thu, giảm chi trong bối cảnh nợ công đã gần 250% GDP.

Bên cạnh chính sách tài khóa thắt chặt hơn, chính sách tiền tệ tiếp tục mở rộng mạnh mẽ nhằm mục tiêu đạt tỷ lệ lạm phát 2%. Trong tuần qua, ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) quyết định tiếp tục theo đuổi chính sách nới lỏng tiền tệ và cam kết tăng gấp đôi cung tiền trong 2 năm tới, mỗi năm sẽ bơm 60-70 nghìn tỷ yên (723 tỷ USD), đồng thời giữ nguyên lãi suất cơ bản.

Ngoài mục tiêu lạm phát, một tác động khác từ chính sách tiền tệ “siêu nới lỏng” của BOJ đó là, đồng yên sẽ giảm giá mạnh mẽ, khiến cho các khoản nợ công trong nước dễ trả hơn. Dĩ nhiên, đổi lại nợ công nước ngoài sẽ khó trả hơn nhưng các chủ nợ nước ngoài chỉ nắm giữ khoảng 5% trong tổng nợ công của Nhật Bản. Do vậy tính chung lại, chính sách hạ giá đồng yên sẽ tạo thuận lợi lớn cho khả năng trả nợ của chính phủ.

Nhìn một loạt động thái của chính quyền thủ tướng Abe trong tuần qua có thể thấy, Abenomics không hề chủ quan trước vấn đề nợ công. Chỉ có điều, hình như người dân Nhật Bản càng ngày phải chịu phần thiệt về mình: thuế tiêu dùng tăng, giá trị thực của các khoản cho chính phủ vay mất giá.

Chính người dân chi tiền cho chính phủ hoạt động và giờ việc trả nợ của chính phủ cũng chủ yếu nhờ đóng thuế từ dân. Một lần nữa, Abenomics lại thử lửa lòng yêu nước và tinh thần Samurai của người dân Nhật Bản.

Lòng yêu nước đang giúp Nhật Bản vượt qua gian khó.
Lòng yêu nước đang giúp Nhật Bản vượt qua gian khó.

Ngoài niềm tin về những dấu hiệu tích cực đầu tiên mà Abenomics mang lại, lý do lớn nhất khiến các chủ nợ trong nước buộc phải bình tĩnh vì chính họ sẽ là những người phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhất nếu một cuộc vỡ nợ xảy ra. Nợ công sắp gần gấp rưỡi GDP danh nghĩa nhưng người Nhật quyết sẽ không để một cuộc khủng hoảng nợ xảy ra.

Thà chịu thiệt hơn một chút còn hơn để một thập kỷ mất mát nữa quay lại. Trong tương lai, nếu Abenomics thành công, người được vinh danh đầu tiên phải là người dân Nhật Bản, sau mới đến ngài thủ tướng.

Nguồn Tâm Vũ/Dân Việt


Sự kiện