Cuộc tập trận bắt đầu từ ngày 18/7 và sẽ kéo dài đến ngày 30/7, với sự tham gia của 22 tàu quét thủy lôi, 13 máy bay, trực thăng từ MSDF cùng một tàu quét thủy lôi và 2 máy bay của Mỹ, theo tờ Asahi Shimbun.
Cụ thể, trong bài diễn tập ngày 24/7, trực thăng thả người nhái Nhật xuống biển để kích nổ phá hủy thủy lôi còn máy bay tuần tra tham gia các chiến dịch thả thủy lôi.
Những chiến dịch quét thủy lôi phản ánh một trong những viễn cảnh mà Lực lượng phòng vệ Nhật (SDF) sẽ tham gia theo quyền phòng vệ tập thể.
Quyết định này được đưa ra ngay sau khi quân đội Trung Quốc tuyên bố sẽ tiến hành một loạt hoạt động tập trận bắn đạn thật trên biển Hoa Đông.
Theo đó, Global Post ngày 25/7 cho biết, tập trận bắn đạn thật lần này của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) sẽ kéo dài từ ngày 29/7 đến ngày 2/8.
Thông báo của Cục Hải sự Trung Quốc yêu cầu đơn vị tổ chức huấn luyện chuẩn bị đầy đủ tàu thuyền cảnh giới, làm tốt công tác dọn dẹp hiện trường trước khi huấn luyện, công tác cảnh giới trong thời gian huấn luyện cũng như việc kiểm tra, đảm bảo an toàn khi huấn luyện kết thúc ở khu vực bắn đạn thật. Ngoài ra, đơn vị này cũng yêu cầu tàu thuyền không đi vào khu vực liên quan trong thời gian diễn ra tập trận.
Động thái này của Bắc Kinh có thể liên quan đến cuộc diễn tập hải quân chung giữa Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ mang tên Malabar kéo dài một tuần ở Thái Bình Dương, được chính thức khai mạc tại căn cứ hải quân Sasebo ở miền nam Nhật Bản vào ngày 24/7 vừa qua.
Cuộc tập trận chung giữa 3 nước này được coi là nhằm tăng cường mối quan hệ hải quân, sẵn sàng đối phó với Trung Quốc. Chính vì thế mà Bắc Kinh cũng đã có động thái đáp trả bằng một cuộc tập trận bắn đạn thật ở khu vực biển gần với khu vực biển mà Washington, Tokyo và New Delhi tổ chức diễn tập.
Trước đó, ngày 1/7, chính quyền của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã bãi bỏ lệnh cấm thực hiện quyền phòng vệ tập thể, mở đường cho SDF hỗ trợ các quốc gia bạn bè nếu họ bị một kẻ thù chung tấn công.
“Tôi sẽ bảo vệ sự tồn tại hòa bình của đất nước Nhật. Có sự hiểu sai rằng Nhật sẽ tham chiến để bảo vệ một quốc gia nước ngoài. Đó là điều không thể. Đây chỉ là biện pháp phòng vệ để bảo vệ người dân Nhật” - ông Abe khẳng định.
Ông Abe cam kết sẽ không triển khai SDF tham gia các chiến dịch quân sự của lực lượng đồng minh do Liên Hiệp Quốc thông qua, ví dụ như chiến tranh vùng Vịnh.
Ông nhấn mạnh Nhật sẽ duy trì quan điểm tự vệ và tiếp tục con đường hòa bình, tìm kiếm các giải pháp ngoại giao để giải quyết tranh chấp. Các quan chức thuộc Đảng Dân chủ tự do (LDP) cầm quyền cho biết đã đề ra các quy định chặt chẽ để ngăn chặn nguy cơ chính phủ áp dụng quá tay “cách hiểu mới” này.
Nguồn Đất Việt