Nhật Bản duy trì kích thích kỷ lục bất chấp rủi ro giảm phát
Cụ thể, các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản duy trì cam kết bơm khoảng 80 nghìn tỷ yên (674 tỷ USD) vào nền kinh tế hàng năm thông qua chương trình mua trái phiếu chính phủ và các tài sản rủi ro khác.
Về cơ bản, thông báo quyết sách của ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) không hề thay đổi. Điều này khiến một bộ phận giới đầu tư khá ngạc nhiên khi gần đây, số liệu sản xuất công nghiệp và xuất khẩu đều cho thấy những dấu hiệu khả quan.
Phát biểu trong cuộc họp báo cùng ngày, ông Kuroda nhận định, chính sách nới lỏng định lượng và định tính của BOJ đã phát huy tác dụng như mong đợi.
Điều chỉnh duy nhất của BOJ trong cuộc họp lần này là dự báo về lạm phát. Các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản cho rằng, lạm phát sẽ tiếp tục lùi về khoảng 0% trong thời gian tới trong khi kinh tế chỉ phục hồi ở tốc độ trung bình.
Tính đến tháng 1/2015, tỷ lệ lạm phát lõi tại Nhật Bản - chưa điều chỉnh theo tác động của đợt tăng thuế tiêu thụ hồi tháng 4 - giảm về 0,2% do giá dầu lao dốc. Hiện tại, BOJ đặt mục tiêu sẽ đưa lạm phát lên 2% vào đầu năm 2016.
Thống đốc Haruhiko Kuroda cho biết, đà lao dốc của giá dầu có thể nhanh chóng đẩy Nhật Bản trở về thời kỳ giảm phát. Tuy nhiên, các quan chức BOJ vẫn tự tin rằng, chính sách kích thích của ngân hàng trung ương sẽ giúp Nhật Bản thoát khỏi thời kỳ giảm phát kéo dài gần 2 thập kỷ qua; đồng thời thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Sau thông báo của BOJ, yên gần như không đổi, giao dịch ở 121,38 yên đổi 1 USD vào lúc 12h48 tại Tokyo. Chỉ số Topix đồng thời tăng 0,9%.
Theo dự đoán của một số chuyên gia, BOJ sẽ tăng cường quy mô kích thích từ mức 80 nghìn tỷ yên (hiện tại) lên 90 nghìn tỷ yên hàng năm trong cuộc họp tháng 4 tới đây. Khi đó, yên được dự báo sẽ tiếp tục giảm về 140 yên đổi 1 USD và Nikkei vượt mốc 20.000 điểm vào cuối năm nay.
Nguồn DVO/ Reuters