Nhật Bản đổ tiền vào "đất hứa" Myanmar
Đây chỉ là một trong số nhiều phái đoàn thương mại từ "đất nước Mặt trời mọc" đến "xứ chùa Vàng" trong thời gian gần đây để tìm hiểu môi trường đầu tư và tìm kiếm cơ hội kinh doanh tại quốc gia giàu tài nguyên này. Vậy đâu là động lực khiến giới doanh nghiệp Nhật Bản đổ dồn tới Myanmar?
Vốn Nhật Bản bắt đầu chảy vào Myanmar
Tờ "Eleven Myanmar" cho biết phái đoàn thương mại trên do Phó Chủ tịch Điều hành Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) dẫn đầu. Các doanh nghiệp tham gia phái đoàn thương mại Nhật Bản đến từ 20 ngành công nghiệp khác nhau như chế tạo máy, điện, xây dựng, dệt may... Điều này cho thấy giới doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm tới quốc gia Đông Nam Á này đến mức nào.
Chỉ cách đó một tuần, hôm 30/7, một phái đoàn thương mại khác gồm hơn 10 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp cũng tới Myanmar và có các cuộc thảo luận về khả năng nhập khẩu gạo và các nông sản khác của quốc gia Đông Nam Á này.
Theo tờ "Eleven Myanmar", phần lớn các doanh nghiệp Nhật Bản tới thăm Myanmar trong năm nay đều nhằm thúc đẩy quan hệ thương mại. Trong số các doanh nghiệp đó, số lượng các doanh nghiệp đến từ các ngành bất động sản, sản xuất lương thực và các sản phẩm tiêu dùng, kho vận, nhiên liệu, xi măng, công nghệ thông tin và phụ tùng ô tô đang tăng rất nhanh.
Một quan chức giấu tên của Ban Giám đốc Cơ quan Quản lý Đầu tư và Doanh nghiệp (DICA) của Myanmar cho biết/ có rất nhiều doanh nhân Nhật Bản tới thăm văn phòng của họ để tìm hiểu thông tin về việc mở chi nhánh và đầu tư tại Myanmar. Trong số này, có hãng chế tạo máy Kubota Corp., tập đoàn công nghiệp và cơ khí Hitachi Zozen và các công ty vận tải Nippon Express và Toyo Logistics.
Các hãng chế tạo ô tô hàng đầu của Nhật Bản như Toyota, Nissan, Honda, Suzuki và Mitsubishi đều đã mở các trung tâm dịch vụ ở quốc gia Đông Nam Á này. Riêng Nissan sẽ mở cửa hàng trưng bày ô tô đầu tiên ở Yangon - thành phố thương mại sầm uất của Myanmar.
Trong khi đó, các tập đoàn công nghệ thông tin hàng đầu Nhật Bản như NTT Group, KDDI Corp. và NEC Corp. đang lên kế hoạch đầu tư vào Myanmar. Sumitomo Corp., NEC Corp. và NTT Communications sẽ tham gia một dự án viễn thông băng thông rộng để kết nối ba thành phố lớn của Myanmar.
Theo số liệu của "Eleven Myanmar", trong vòng 2 năm qua, Nhật Bản đã đầu tư hơn 65 triệu USD vào Myanmar. Tính đến cuối tháng 6/2013, tổng vốn đầu tư trực tiếp của Nhật Bản ở nước này đạt 270,28 triệu USD.
Các chuyên gia phân tích cho rằng mặc dù so với nhiều quốc gia khác ở Đông Nam Á, vốn đầu tư của Nhật Bản tại Myanmar vẫn còn thấp nhưng nếu so với thời điểm trước khi Myanmar tiến hành các cuộc cải cách, đó là một bước tiến vượt bậc.
Trong khi đó, theo JETRO, Trung Quốc vẫn là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất tại Myanmar khi chiếm tới 34,3% trong tổng vốn FDI vào nước này trong giai đoạn từ năm 1989 đến tháng 3/2012. Con số này đối với Nhật Bản chỉ là 0,5%.
Đây là một dự án có số vốn đầu tư lên tới hàng triệu USD, trong đó có việc xây dựng cảng biển, đường xá và các hạng mục phát triển hạ tầng khác. Chính phủ Nhật Bản đã cam kết cung cấp các khoản vay với lãi suất ưu đãi 0,01% và thời hạn vay 40 năm để giúp Myanmar thực hiện dự án này.
Hiện tại, cùng với Thái Lan, Myanmar cũng đang mời chào Nhật Bản tham gia vào việc phát triển Đặc khu Kinh tế Dawei, trong đó có những hạng mục rất quan trọng là cảng nước sâu Dawei và đường cao tốc Myanmar-Thái Lan. Dự án có số vốn đầu tư hàng tỷ USD và thời gian thực hiện lên tới 75 năm này được một liên doanh Thái Lan-Italy khởi động từ năm 2008 nhưng đang gặp khó khăn về vốn.
Hôm 24/4, các bộ trưởng của Myanmar và Thái Lan đã chính thức gửi thư cho phía Nhật Bản để mời Tokyo tham gia đầu tư vào đặc khu kinh tế này. Hôm 17/6, ba nước đã nhóm họp ở Thái Lan để thảo luận về khả năng hợp tác trong vấn đề này.
Đất hứa
Theo các chuyên gia phân tích, nguyên nhân chủ yếu khiến Myanmar ngày càng trở nên "long lanh" trong mắt các doanh nghiệp Nhật Bản đó là nước này có nguồn nhân lực dồi dào, chi phí nhân công cực thấp và nguồn tài nguyên khoáng sản vô cùng phong phú.
Bên cạnh đó, với dân số hơn 60 triệu người, Myanmar cũng là một trong những thị trường giàu tiềm năng mà các doanh nghiệp của "xứ sở Hoa anh đào" không thể bỏ qua.
Bên cạnh đó, trong thời gian gần đây, nhất là kể từ khi chính quyền của Tổng thống Thein Sein bắt đầu tiến trình cải cách dân chủ vào năm 2011, nền kinh tế Myanmar bắt đầu khởi sắc. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Myanmar, đất nước vốn nằm trong số các quốc gia nghèo nhất thế giới, đã đạt tốc độ tăng trưởng 6,5% trong năm ngoái và có thể sẽ tiếp tục duy trì nhịp độ tăng trưởng này. IMF dự báo tăng trưởng của Myanmar trong tài khóa 2013-2014 là 6,75%.
Ông Matt Davies, người điều hành nhóm làm việc của IMF tại Myanmar, nhận định chương trình cải cách đầy tham vọng của chính quyền Myanmar đã mang lại sự ổn định kinh tế vĩ mô và tăng sức hấp dẫn của nước này trước các nhà đầu tư.
Trong khi đó, ông Stephen Groff, Phó Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) phụ trách khối Đông Á, Đông Nam Á và Thái Bình Dương, dự báo nếu duy trì được đà tăng trưởng 7-8% như hiện nay, Myanmar có thể đuổi kịp Thái Lan của hiện tại vào năm 2030.
Trong bối cảnh đó, nhiều nước phương Tây, trong đó có Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), đã bắt đầu để mắt tới Myanmar và có hàng loạt các bước đi nhằm cải thiện quan hệ với nước này. Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ đã dỡ bỏ hầu hết lệnh cấm vận đối với Myanmar, ngoại trừ lệnh cấm vận vũ khí.
Vào giữa tháng 7, EU đã khôi phục các điều khoản ưu đãi thương mại đối với Myanmar. Ủy viên phụ trách thương mại của EU Karel de Gucht cho biết những điều khoản ưu đãi thương mại dành cho Myanmar đồng nghĩa với việc các loại hàng hóa của Myanmar (trừ vũ khí) sẽ được quyền ưu tiên và miễn thuế khi tiếp cận thị trường lớn nhất thế giới này.
Trong bối cảnh đó, Tokyo ngay lập tức cung cấp khoản vay mới kể từ 26 năm qua và xóa toàn bộ số nợ cũ cho nước này nhân chuyến thăm hồi cuối tháng 5/2013 của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe - nhà lãnh đạo đầu tiên của Nhật Bản đến thăm Myanmar trong vòng 36 năm qua.
Mặc dù vậy, các chuyên gia phân tích cho rằng việc đầu tư vào Myanmar vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro như hệ thống pháp luật chưa hoàn chỉnh, cơ sở hạ tầng chưa phát triển, tình trạng thiếu lao động tay nghề cao, và nhất là nguy cơ bất ổn về chính trị và an ninh vẫn còn hiện hữu ở quốc gia Đông Nam Á này.
Nguồn VOV News