Nhật Bản đạt thặng dư tài khoản vãng lai 4 tháng liên tiếp
Bộ Tài chính Nhật Bản cho biết, thặng dự tài khoản vãng lai trong tháng 5 đạt 522,8 tỷ yên (5,13 tỷ USD), thấp hơn 7,7% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng cao hơn nhiều so với dự báo 442,5 tỷ yên của các chuyên gia tham gia khảo sát của The Wall Street Journal và Nikkei.
Thâm hụt thương mại trong tháng 5 của Nhật Bản là 675,9 tỷ yên, giảm 16,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Tài khoản thu nhập chính, gồm thu nhập từ vốn đầu tư nước ngoài thông qua cổ tức và lãi suất, đạt thặng dư 1,48 nghìn tỷ yên trong tháng 5, ghi nhận 5 tháng liên tiếp trên 1 nghìn tỷ yên.
Theo Bloomberg, nhập khẩu giảm lần đầu tiên trong 19 tháng do người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu sau đợt tăng thuế giá trị gia tăng tháng 4, trong khi nhập khẩu tiếp tục giảm trong tháng 5.
Trong bối cảnh tài khoản vãng lai bị thâm hụt lớn vào cuối năm ngoái và đầu năm nay, một số chuyên gia kinh tế lo ngại rằng, Nhật Bản sẽ ngày càng phụ thuộc vào nguồn vốn của nước ngoài để trả nợ và buộc phải tăng lợi suất trái phiếu để đảm bảo lợi ích cho giới đầu tư nước ngoài. Điều này cũng khiến việc trả nợ công - hiện tại gấp hơn 2 lần GDP của Nhật Bản - càng khó khăn.
Nguyên nhân thâm hụt là, Nhật Bản đã nhập khẩu hàng hóa nhiều hơn xuất khẩu trong 11 tháng qua do nhu cầu tiêu thụ năng lượng và thực phẩm nước ngoài tăng mạnh trước đợt tăng thuế tháng 4.
Kết quả này trái ngược với dự báo của các chuyên gia kinh tế khi cho rằng, yên suy yếu so với USD - kể từ khi Thủ tướng Shinzo Abe lên nắm quyền - sẽ thúc đẩy xuất khẩu.
Trước khi rơi vào thâm hụt trầm trọng vào cuối năm 2013, Nhật Bản đã liên tục đạt thặng dư tài khoản vãng lai hàng năm trong 30 năm qua nhờ nhu cầu mua tiêu thụ hàng hóa của Nhật Bản tại nước ngoài cũng như nguồn vốn đầu tư nước ngoài tăng mạnh.