Nhật Bản có thể tăng trưởng âm quý IV do căng thẳng với Trung Quốc
Nhật Bản - nền kinh tế lớn thứ 2 châu Á tăng trưởng 0,2% trong quý III và 1,2% trong quý I, mức tăng trưởng đáng kể trong bối cảnh suy giảm kinh tế toàn cầu.
"Tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản trong quý IV sẽ chịu tác động mạnh, đặc biệt doanh thu hàng tiêu dùng như ô tô đã giảm đáng kể. Một số cửa hàng và chi nhánh của công ty Nhật Bản ở Trung Quốc đã bị người biểu tình Trung Quốc phá hủy làm hư hại nghiêm trọng", nhà kinh tế trưởng Masaaki Kanno tại JPMorgan cho biết.
Xuất khẩu ô tô, chiếm 4,5% tổng sản lượng xuất khẩu của Nhật Bản sang Trung Quốc dự báo sẽ giảm 70% xuống còn 39 tỷ yên (496 triệu USD) trong 3 tháng cuối năm. Trong khi đó, xuất khẩu phụ tùng ô tô dự báo sẽ giảm 40%, ông Kanno cho biết.
"Chúng tôi dự báo sản lượng xuất khẩu hàng tiêu dùng của Nhật Bản sang Trung Quốc trong quý IV sẽ giảm đáng kể", ông Kanno nói thêm.
Nếu tranh chấp lãnh thổ kéo dài đến năm 2013, đồng thời không có dấu hiệu phục hồi trong lĩnh vực thương mại và du lịch thì tốc độ tăng trưởng GDP của Nhật Bản sẽ giảm xuống còn 0,4% vào năm tới, thấp hơn dự báo trước đó là 0,6%, ông Kanno cho biết.
"Các cuộc biểu tình chống Nhật Bản ở Trung Quốc đã gây tác động to lớn đối với các doanh nghiệp Nhật Bản và khiến hàng loạt doanh nghiệp cắt giảm một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất", nhà kinh tế trưởng phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại IHS Global Insight cho biết.
Trong tháng trước, hàng loạt doanh nghiệp Nhật Bản, từ sản xuất ô tô tới điện tử và bán lẻ đã đóng cửa hàng và nhà máy ở Trung Quốc do biểu tình liên quan đến tranh chấp đảo Senkaku/Điếu Ngư ở nước này tiếp tục lan rộng.
Ngày 17/9, các công ty Nhật Bản bao gồm Canon, Lion, Panasonic tuyên bố ngừng hoạt động sản xuất tại Trung Quốc.
Trong khi đó, hôm nay 8/10 các hãng sản xuất ô tô của Nhật bản gồm Toyota, Nissan và Honda đã công bố kế hoạch cắt giảm 1 nửa hoạt động sản xuất ở Trung Quốc do doanh số bán hàng giảm mạnh.
Căng thẳng do tranh chấp đảo không chỉ gây thiệt hại cho Nhật Bản mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến Trung Quốc. "Cái giá mà Trung Quốc phải trả sẽ là nhận được ít đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hơn", ông Andy Xie, cựu kinh tế trưởng phụ trách khu vực châu Á của Morgan Stanley cho biết.
Đồng thời, tranh chấp lãnh thổ giữa 2 nền kinh tế lớn nhất châu Á cũng gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng đối với kinh tế thế giới bởi "Nhật Bản là nước đóng vai trò chủ yếu trong chuỗi cung ứng sản xuất. Trong bối cảnh các nền kinh tế liên kết chặt chẽ với nhau như hiện nay, các công ty Nhật Bản ngừng hoạt động tại Trung Quốc sẽ gây ra tác động lớn đến nền kinh tế", chuyên gia kinh tế cao cấp Maritza Cabezas tại ABN Amro ngày 18/9 cho biết.
Tranh chấp trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là một trong những vấn đề trở ngại trong quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc trong gần 7 thập kỷ sau khi Thế chiến II kết thúc.
Năm 2010, căng thẳng giữa Tokyo và Bắc Kinh bùng lên sau khi Nhật Bản bắt giữ một tàu đánh cá của Trung Quốc va chạm với tàu tuần tra của Nhật Bản ở vùng biển tranh chấp này.
Không những thế, căng thẳng còn dâng cao trở lại hồi tháng 4 sau khi thống đốc Tokyo Shintaro Ishihara thông báo quyên tiền mua lại đảo từ chủ sở hữu tư nhân người Nhật.
Tiếp đó, quyết định của nội các Nhật Bản thông qua kế hoạch chi hơn 2 tỷ yên (26 triệu USD) mua 3 trong số 5 hòn đảo thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư vào ngày 11/9 đã khiến căng thẳng giữa 2 nước càng leo thang.
Căng thẳng lãnh thổ giữa Nhật Bản và Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh 2 nước đều đang đối phó với suy giảm kinh tế toàn cầu và Trung Quốc đang chuẩn bị cho quá trình thay đổi lãnh đạo lần đầu tiên trong vòng một thập kỷ.
Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư gồm 5 đảo và 3 bãi đá ngầm ở biển Hoa Đông, cách đảo Okinawa khoảng 400 km về phía tây. Quần đảo này nằm trong khu vực có nguồn thủy hải sản dồi dào và có thể chứa nguồn khoáng sản có giá trị. Chuỗi đảo cũng từng là nơi sinh sống của ngư dân Nhật Bản trước chiến tranh thế giới thứ 2.
Nguồn CNBC/Khampha