Thứ Ba | 13/08/2013 14:02

Nhật Bản có thể lặp sai lầm dẫn đến thập kỷ mất mát

Tăng thuế ngay sau khi nền kinh tế mới bắt đầu phục hồi có thể khiến Nhật Bản rơi vào "thập kỷ mất mát".
Bất chấp những nỗ lực của chính phủ Nhật Bản nhằm đối phó giảm phát với chính sách nới lỏng tiền tệ kỷ lục, tăng trưởng GDP quý II của Nhật Bản chỉ tăng 2,6%, thấp hơn mức dự báo 3,6% của các nhà kinh tế. Số liệu kinh tế không mấy khả quan được công bố giữa lúc đang dấy lên cuộc tranh cãi gay gắt về kế hoạch tăng thuế tiêu thụ của chính phủ.

Tuần trước, Thống đốc ngân hàng Nhật Bản Haruhiko Kuroda nhấn mạnh: “Ngăn giảm phát và tăng thuế tiêu dùng có thể được thực hiện cùng lúc. Mặc dù việc khôi phục sức khỏe tài chính là vô cùng cần thiết và quan trọng nhưng một khi các quy tắc tài khóa được nới lỏng sẽ gián tiếp tác động tiêu cực tới các chính sách tiền tệ.”

Chuyên gia Hans Redeker của Morgan Stanley cảnh báo rằng tăng thuế ngay sau khi nền kinh tế mới bắt đầu phục hồi có thể khiến Nhật Bản lặp lại sai lầm mà nước này đã từng mắc phải. Năm 1997, sai lầm của Nhật Bản khi đưa ra mức thuế tiêu thụ 5% đã khiến kinh tế nước này rơi vào giảm phát.

Chính quyền thủ tướng Shinzo Abe đang chịu sức ép về việc có theo đuổi kế hoạch tăng thuế tiêu dùng để giảm gánh nặng nợ công hay không. Để hạn chế tác động tiêu cực của chính sách này, chính phủ Nhật Bản cũng đang cân nhắc bù đắp bằng việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp nhằm giảm bớt gánh nặng cho các công ty Nhật Bản và thu hút đầu tư nước ngoài.

Thuế thu nhập doanh nghiệp của Nhật Bản hiện trên 38%, một trong những mức cao nhất ở các quốc gia phát triển trên thế giới. Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp có thể thúc đẩy việc đầu tư vào máy móc, thiết bị.

Tuy nhiên, các nhà ủng hộ thắt chặt chính sách tài khóa có thể phản đối giảm thuế. Một số có thể hoài nghi về động thái cắt giảm thuế của chính phủ Nhật Bản bởi ở nước này, khoảng 70% các công ty không phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo các nguyên tắc kế toán về hạch toán lỗ.

Nguồn Reuters, BI/Dân Việt


Sự kiện