Trên thực tế, số lượng doanh nghiệp có vốn quy định trên 100 triệu yên đang giảm dần. Ảnh: Nikkei Asia.
Nhật Bản chậm chân trong việc thúc đẩy doanh nghiệp SME
Nhật Bản cung cấp các khoản trợ cấp và giảm thuế cho những doanh nghiệp được phân loại là SME hoặc nhỏ hơn, nhưng đối với nhiều doanh nghiệp trong số đó, động thái này đang tước đi động lực mở rộng. Trong khi đó, các đối thủ châu Á của Nhật Bản đã thành công trong việc thúc đẩy các doanh nghiệp quy mô trung bình có tính cạnh tranh trong các ngành chiến lược như chất bán dẫn, biến những doanh nghiệp này thành động lực chính cho tăng trưởng và đầu tư.
Nhật Bản hiện đang cố gắng đuổi kịp, nhưng việc nuôi dưỡng các doanh nghiệp quy mô trung bình trong các lĩnh vực chiến lược gặp nhiều khó khăn do quy mô nhỏ vẫn có nhiều lợi thế. Một số công ty lớn thậm chí đã giảm cơ sở vốn để thu được lợi ích dành cho các doanh nghiệp nhỏ hơn.
Ví dụ: thuế địa phương tại Nhật chỉ áp dụng cho những công ty có vốn trên 100 triệu yên (660.000 USD), một mức giới hạn được đặt ra nhằm giảm thiểu tác động đến các công ty nhỏ. Nhưng điều này đã khuyến khích một số công ty lớn hơn giảm vốn để tránh thuế. Demae-can, một nền tảng giao đồ ăn có trụ sở tại Tokyo, đã cắt giảm vốn xuống 100 triệu yên từ mức 55,1 tỉ yên vào năm 2022, với lý do "giảm bớt gánh nặng thuế".
Thị phần của các công ty Nhật Bản có vốn hoá 100 triệu yên hoặc nhiều hơn đang giảm dần. Ảnh: Nikkei Asia. |
Trong cuộc cải cách thuế tài khóa 2024, chính phủ đã quyết định mở rộng phạm vi đánh thuế để bao gồm các doanh nghiệp có tổng vốn cổ phần và thặng dư vốn trên 1 tỉ yên. Cụ thể, thuế được áp dụng trên quy mô kinh doanh, chẳng hạn như giá trị gia tăng và vốn, chứ không phải trên quy mô lợi nhuận.
Trên thực tế, số lượng doanh nghiệp có vốn quy định trên 100 triệu yên đang giảm dần. Trong suốt năm tài chính 2021, số lượng các công ty này đã giảm hơn 30% so với năm cao điểm 2006. Ở thời điểm hiện tại, tỉ trọng của các công ty nói trên đã giảm từ 1,18% xuống 0,72%, theo Bộ Nội vụ và Truyền thông.
Thuế không phải là lợi ích duy nhất khi một doanh nghiệp tại Nhật Bản được phân vào nhóm quy mô nhỏ. "Nhân danh" kích thích kinh tế và thúc đẩy số hóa, chính phủ đã cung cấp các khoản trợ cấp cho doanh nghiệp và các khoản vay hầu như không có lãi suất và không có tài sản thế chấp. Nhưng những người đi vay hầu hết chỉ giới hạn ở các doanh nghiệp SME, có vốn lên tới 300 triệu yên hoặc có lực lượng lao động tối đa là 300 người nếu thuộc lĩnh vực sản xuất.
Để thúc đẩy các công ty cỡ vừa có khả năng cạnh tranh trong các lĩnh vực chiến lược, chính phủ Nhật Bản đã chuyển sự chú ý sang các doanh nghiệp tuy nhỏ hơn bằng các tập đoàn hùng mạnh nhưng lại quá lớn để đủ điều kiện nhận phúc lợi dành cho các công ty nhỏ hơn. Vào ngày 5/4, Hạ viện bắt đầu cân nhắc tạo ra một phạm trù pháp lý mới cho các doanh nghiệp cỡ trung bình có lực lượng lao động từ 2.000 người trở xuống, giúp họ đủ điều kiện được giảm thuế và các ưu đãi khác. Hiện tại, những doanh nghiệp đó được xếp vào cùng loại với các tập đoàn lớn như Toyota Motor.
Việc sửa đổi pháp lý được đề xuất phản ánh nỗ lực của Nhật Bản trong việc bắt kịp các nước láng giềng đã thúc đẩy các công ty cỡ trung bình trong thập kỷ qua.
Hàn Quốc hỗ trợ các doanh nghiệp quy mô trung bình trong các lĩnh vực cốt lõi, nhằm tăng số lượng công ty cỡ vừa lên 10.000 vào năm 2030 từ mức 5.500 vào năm 2021 và thúc đẩy xuất khẩu của họ từ 110 tỉ USD lên 200 tỉ USD.
Trong khi đó, Đài Loan đã vạch ra một kế hoạch từ hơn 10 năm trước để thúc đẩy sự phát triển của các công ty cỡ vừa, giúp họ đủ điều kiện nhận trợ cấp cho các dự án R&D cũng như phát triển nguồn nhân lực. Đài Loan chỉ mất hai năm để hoàn thành mục tiêu ba năm là tạo 10.000 việc làm và thu hút đầu tư trị giá 3,11 tỉ USD.
Các công ty hàng đầu của Nhật Bản có xu hướng tập trung đầu tư ra nước ngoài. Một số chuyên gia cho rằng các công ty quy mô vừa sẽ chi tiêu nhiều hơn ở trong nước và điều đó sẽ giúp ích cho đầu tư trong nước nếu có nhiều công ty nhỏ hơn mở rộng quy mô.
Theo Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp, chi tiêu vốn trong nước của các công ty cỡ vừa có tới 2.000 nhân viên đã tăng 1,5 nghìn tỉ yên trong thập kỷ cho đến năm 2021, so với mức tăng 700 tỉ yên của các công ty lớn.
Doanh thu của các doanh nghiệp vừa này tăng 18,9 nghìn tỉ yên trên cơ sở chưa hợp nhất, so với 3,9 nghìn tỉ yên của các công ty lớn và 14,7 nghìn tỉ yên của các doanh nghiệp nhỏ hơn. Trong khi đó, doanh số bán hàng ở nước ngoài tăng 70 nghìn tỉ yên đối với các công ty lớn, so với 11,3 nghìn tỉ yên đối với các doanh nghiệp vừa và 1,6 nghìn tỉ yên đối với các doanh nghiệp nhỏ hơn.
Tăng trưởng của Nhật Bản có thể phụ thuộc vào việc nước này có thể biến các công ty nhỏ thành doanh nghiệp quy mô trung bình mạnh mẽ như thế nào và biến chúng thành động lực chính của nền kinh tế địa phương.
Có thể bạn quan tâm: Tại sao đồng USD lại gây ra sự hỗn loạn ở các thị trường mới nổi?
Nguồn Nikkei Asia