Thứ Ba | 22/04/2014 15:03

Nhật Bản cải cách quỹ đầu tư công lớn nhất thế giới

Chính phủ Nhật Bản vừa công bố kế hoạch cải cách Ủy ban Đầu tư của quỹ hưu trí công lớn nhất thế giới GPIF.
Ngày 22/4, Nhật Bản tiến hành cải cách quỹ Đầu tư hưu trí chính phủ (GPIF) và bổ nhiệm các thành viên hội đồng mới trong nỗ lực hướng tới mục tiêu chiến lược đầu tư tích cực hơn của Thủ tướng Shinzo Abe.

Cuộc cải cách này được cho là phù hợp với chủ trương của Thủ tướng Shinzo Abe để quỹ có thể thực hiện các vụ đầu tư rủi ro và bớt phụ thuộc vào trái phiếu chính phủ lợi suất thấp.

Thị trường tài chính toàn cầu đang rất háo hức chờ xem chiến lược của GPIF. GPIF là một quỹ đầu tư khổng lồ và được xem là "người lãnh đạo" của các tổ chức đầu tư ở Nhật Bản với tổng tài sản lớn hơn cả nền kinh tế Mexico.

Hội đồng mới của Ủy ban Đầu tư sẽ đóng vai trò lãnh đạo trong khi GPIF đặt ra mục tiêu phân bổ đầu tư mới cho những tháng tiếp theo. Ông Abe tin rằng, cải cách GPIF sẽ là yếu tố hỗ trợ cho chiến lược tăng trưởng kinh tế - mũi tên thứ 3 trong chính sách của Thủ tướng cùng với chính sách tiền tệ và kích thích tài chính tích cực.

Bộ trưởng Y tế Nhật Bản Norihisa Tamura, là người chịu trách nhiệm bổ nhiệm các thành viên của Ủy ban đầu tư GPIF, đã giảm số thành viên hội đồng xuống 8 người sau đợt cải cách (trước cải cách là 10 người). Trong đó, 2 thành viên vẫn được giữ nguyên vị trí và một cựu thành viên được mời trở lại làm việc. Hội đồng vẫn giữ cân bằng giữa số lượng các học giả và chuyên gia kinh tế.

Hiện tại có 3/8 thành viên đương nhiệm đang nằm trong hội đồng cố vấn là Sadayuki Horie, chuyên gia nghiên cứu cấp cao tại Nomura, Isao Sugaya - chuyên gia của Hiệp hội lao động Nhật Bản và Yasuhiro Yonezawa, giáo sư Học viện Tài chính của đại học Waseda. Hội đồng cố vấn sẽ do giáo sư Takatoshi Ito của đại học Tokyo đứng đầu. Ông là người đã thẳng thắn kêu gọi GPIF thực hiện chiến lược đầu tư tích cực hơn - .

GPIF - được thành lập vào năm 2001 - đã tiến hành cuộc cải cách lớn nhất về chiến lược đầu tư vào tháng 6/2013. Quỹ đã sửa đổi các mục tiêu phân bổ nhằm tăng tỷ trọng của chứng khoán Nhật Bản và giảm tỷ trọng của trái phiếu nội địa để đạt lợi nhuận cao hơn

Hiện tại, mục tiêu GPIF mà đặt ra là đầu tư 12% vào chứng khoán Nhật Bản, 60% vào trái phiếu nội địa, 11% vào trái phiếu nước ngoài, 12% vào chứng khoán nước ngoài và 5% vào tài sản ngắn hạn.

Trong tháng 2, GPIF thông qua kế hoạch đầu tư vào các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng do Ontario Municipal Employees Retirement System của Canada và Ngân hàng Phát triển Nhật Bản đề xuất thông qua một quỹ đầu tư tín thác.

Trong thời gian gần đây, GPIF bắt đầu kiểm soát một số hoạt động đầu tư thụ động bằng chỉ số mới JPX 400 - tập trung theo dõi thu nhập ròng trên vốn cổ phần và quản trị doanh nghiệp. Quỹ cũng sử dụng các chiến lược đầu tư chủ động hơn theo như đề nghị của ông Ito.

GPIF cho biết sẽ mở rộng lĩnh vực đầu tư vào trái phiếu nước ngoài sang trái phiếu của khối các thị trường mới nổi, trái phiếu lợi suất cao và trái phiếu ngừa lạm phát của nước ngoài.

Nguồn Gafin/ Reuters/ NCDT


Sự kiện