Thứ Năm | 10/01/2013 17:07

Nhật Bản: Các gói kích thích không vực dậy tăng trưởng kinh tế

Nhiều người cho rằng gói kích thích kinh tế 10.000 tỷ yên của ông Abe chỉ nhằm duy trì sự hỗ trợ của công chúng đối với đảng Dân chủ Nhật Bản.
Mùa xuân năm 2009, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bắt đầu bằng sự sụp đổ của ngân hàng Lehman Brothers, thủ tướng lúc đó của Nhật Bản là ông Taro Aso đã phát động các biện pháp kinh tế được gọi là "tên lửa 3 tầng" bằng cách tăng chi tiêu 15.400 tỷ yên nhằm phục hồi kinh tế.

Bốn năm sau đó, Nhật Bản rơi vào suy thoái với khoản nợ của chính phủ lên tới 220% GDP và chính phủ mới của Nhật Bản, ông Shinzo Abe lại một lần nữa kêu gọi thực hiện "khởi đầu tên lửa" đối với nền kinh tế bằng cách tăng chi tiêu của chính phủ thêm 10.000 tỷ yên.

Một điều không thể phủ nhận là các chương trình kích thích kinh tế trước giúp Nhật Bản trải qua các cuộc khủng hoảng tài chính, bao gồm cả sự bùng nổ bong bóng dotcom vào năm 2000 và cú sốc Lehman năm 2008.

Tuy nhiên, chương trình kích thích 60.000 tỷ yên từ các ngân sách bổ sung kể từ năm 1998 của chính phủ Nhật Bản vẫn không thể giải quyết được vấn đề dài hạn của nước này là tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp.

Các nhà kinh tế cho rằng gói kích thích mới nhất của Nhật Bản theo kế hoạch được thủ tướng Abe công bố vào ngày mai 11/1 cũng nằm ngoài quy luật là không thể kích thích tốc độ tăng trưởng của Nhật Bản.

Có một điều chắc chắn là gói kích thích kinh tế chủ yếu vẫn tập trung vào chi tiêu dành cho các công trình công cộng. Việc tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng chỉ kích thích tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn, còn trong dài hạn, những tác động này sẽ biến mất, chiến lược gia Takahiro Sekido tại Ngân hàng Tokyo Mitsubishi UFJ nhận xét.

Không những thế, tập trung vào xây dựng các công trình công cộng còn có nguy cơ gây trì hoãn đối với quá trình cải cách cơ cấu cần thiết cho việc tăng trưởng bền vững, lâu dài. "Với việc tập trung vào công trình công cộng, nguồn lực lao động sẽ bị bó buộc trong những lĩnh vực kém hiệu quả như xây dựng, chứ không được chuyển sang những lĩnh vực thiếu hụt lao động như chăm sóc sức khỏe", nhà kinh tế Hiroshi Shiraishi tại BNP Paribas ở Tokyo cho biết.

Một số nhà kinh tế cũng cho rằng mục đích gói kích thích của ông Abe không phải để khôi phục kinh tế mà nhằm duy trì sự hỗ trợ của công chúng đối với đảng Dân chủ Nhật Bản của ông trong cuộc bầu cử thượng viện diễn ra vào tháng 7.

"Ông Abe cần đạt được kết quả kinh tế vào mùa xuân này, đó là lý do tại sau ông tập trung vào đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, lĩnh vực mang lại kết quả kinh tế nhanh chóng", nhà kinh tế cao cấp Martin Schulz thuộc Viện Nghiên cứu Fujitsu cho biết.

Kết quả trong ngắn hạn là kế hoạch của tân thủ tướng Abe nhằm thúc đẩy nền kinh tế đã làm tăng niềm tin kinh doanh và mang lại dấu hiệu tích cực cho thị trường chứng khoán.

Các nhà phân tích cho rằng một số điểm trong chương trình kích thích mới nhất của Nhật Bản là đúng đắn, như việc giảm thuế để khuyến khích các công ty đầu tư vào Nhật Bản và thúc đẩy sự thay đổi tài sản chuyển từ những người già sang thế hệ trẻ.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu giảm thuế có thể tạo ra đủ động lực khuyến khích các công ty đầu tư vào Nhật Bản hay không. Hiện nay các công ty ở nước này đang phải đối mặt với thị trường thu hẹp và tâm lý lo ngại của những người nghỉ hưu. "Việc giảm thuế sẽ không mang lại nhiều tác động", ông Shiraishi cho biết.

Bên cạnh đó, gói kích thích kinh tế của ông Abe cũng không thể giải quyết được vấn đề của nhiều công ty thua lỗ. "Nhiệm vụ lớn nhất của chính phủ Nhật Bản trong suốt 20 năm qua là cố gắng giữ cho nền kinh tế tồn tại và để làm được như vậy, chính phủ đã cung cấp bảo lãnh tín dụng hỗ trợ các công ty không có lợi nhuận tiếp tục kinh doanh", ông Schulz cho biết.

Ở hầu hết các quốc gia, những công ty thua lỗ từ 3-5 năm thường được coi là phá sản. Trong khi đó, ở Nhật Bản, 70% công ty không phải nộp thuế bởi vì họ không tạo ra lợi nhuận, ông Schulz nói thêm.

Điều Nhật Bản cần bây giờ là những ý tưởng đầu tư mới với các chính sách dài hạn nhằm khôi phục tốc độ tăng trưởng tiềm năng. Đồng thời, Nhật Bản cần nắm bắt cơ hội đầu tư tại các thị trường đang phát triển, chẳng hạn như đầu tư vào lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và năng lượng trong nước và các khu vực như châu Á.

"Thật không may, sự chú trọng của đảng Dân chủ Tự do đối với cả 2 lĩnh vực là rất ít", ông Schulz nhận xét.

Nguồn FT/Khampha


Sự kiện