Nhật Bản báo động tình trạng làm việc cật lực đến chết
Teruyuki Yamashita, 53 tuổi, từng suýt chết sau một ngày làm việc mệt mỏi cách đây 6 năm. Là quản lý bán hàng cấp cao, ông thường xuyên phải đi công tác trong và ngoài nước. Thời gian ngủ của Yamashita chỉ khoảng 3 tiếng mỗi ngày.
Năm 2009, Yamashita bất tỉnh khi đang trên đường về nhà. Các bác sĩ cho biết ông bị xuất huyết não, phải điều trị 3 tuần theo chế độ chăm sóc đặc biệt. Khi tỉnh dậy, Yamashita mất thị giác.
"Tôi nói với y tá rằng sao trời tối sầm vậy. Tôi không hề biết tôi bị mù", Yamashita nhớ lại khoảnh khắc ông lần đầu tỉnh dậy sau ca cấp cứu.
Trải qua những ngày làm việc căng thẳng, ông Yamashita cảm thấy hối hận vì những điều đã qua. "Tôi thậm chí không thể nhớ các con đã trưởng thành như thế nào vì công việc quá bận rộn. Tôi ước mình đã dành thời gian cho gia đình nhiều hơn.
Theo AFP, mỗi năm Nhật Bản ghi nhận hàng trăm trường hợp tử vong do làm việc quá sức. Nguyên nhân dẫn đến thiệt mạng rất đa dạng, từ đau tim, đột quỵ, hoặc tự tử vì căng thẳng.
Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), 22,3% người Nhật làm việc trên 50 tiếng mỗi tuần. Tỷ lệ này ở các nước Anh, Mỹ và Pháp lần lượt là 12,7%, 11,3% và 8,2%.
Một khảo sát do chính phủ Nhật Bản công bố năm 2013 cho biết, 16% lao động nước này không sử dụng ngày nghỉ phép. Cũng trong năm này, số liệu chính thức của Tokyo ghi nhận 196 trường hợp tử vong và tự tử do làm việc quá sức.
Tuy nhiên, giáo sư Shigeru Waki, Đại học Ryukoku, cho rằng con số này chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. "Rất nhiều người chết hoặc bệnh nặng vì sức ép công việc, nhưng việc chứng minh nguyên nhân rất khó khăn".
Quản lý nhân viên theo hiệu quả hay theo giờ làm?
Hồi tháng 4, nội các của Thủ tướng Shinzo Abe đã thông qua dự luật cho phép những nhân viên thu nhập hơn 10,75 triệu yen (88.000 USD) mỗi năm không phải tuân theo những quy tắc về giờ làm việc tại các công ty.
Những người ủng hộ dự luật cho rằng, nhân viên làm việc hiệu quả sẽ được thưởng theo năng lực chứ không phải theo số giờ làm việc. Từ đó, họ có thể linh hoạt và chủ động hơn trong thời gian ở công ty, ra về sau khi hoàn thành nhiệm vụ phân công.
Tuy nhiên, những người phản đối lập luận rằng dự luật cho phép công ty không cần phải trả tiền làm ngoài giờ. Do đó, nhiều người sẽ không nhận thêm khoản tiền hỗ trợ nào ngoài lương dù họ đã tăng ca. "Điều này thậm chí còn làm tăng tỷ lệ tử vong do làm việc quá sức", ông Koji Morioka, giáo sư Đại học Kwansei Gakuin, nói.
Trong khi đó, giáo sư Waki cho biết, dự luật mới không bắt buộc công ty phải theo dõi thời gian làm việc ngoài giờ của nhân viên. Do vậy, việc nghiên cứu những hệ lụy từ tình trạng này sẽ khó khăn hơn.
Hơn nữa, vì dự luật giới hạn về mức thu nhập nên chỉ khoảng 4% nhân viên làm việc ở các công ty tư nhân mới hưởng lợi từ dự luật mới.
Một bà mẹ phản đối dự luật cho biết, thời gian làm việc theo hợp đồng của con trai bà tại công ty thấp hơn nhiều so với số giờ thực tế. Người con đã tự tử vào năm 2009. "Tôi vô cùng bàng hoàng khi người bên công ty gọi cho tôi và nói rằng thằng bé đã chết. Con trai tôi sẽ không thể sống lại, nhưng tôi muốn lên tiếng để bảo vệ thế hệ trẻ", bà nói.
Nguồn Zing