Nhiều nhà đầu tư mở rộng danh mục đầu tư sang các thị trường châu Á triển vọng khác. Ảnh: Nikkei Asia.
Nhật Bản, Ấn Độ và Singapore hưởng lợi khi Trung Quốc gặp khó khăn
Theo một báo cáo mới được công bố bởi Economist Intelligence Unit (EIU), Nhật Bản, Ấn Độ và Singapore được dự báo sẽ là những quốc gia hưởng lợi nhất tại khu vực châu Á trong bối cảnh thị trường Trung Quốc tiếp tục đối mặt với những rủi ro địa chính trị.
Báo cáo này đánh giá triển vọng của các trung tâm tài chính tại châu Á trong bối cảnh toàn cầu đang đối diện với nhiều thách thức, khi cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn kéo dài và sự thắt chặt kiểm soát của chính quyền Trung Quốc đối với Hong Kong.
Trước tình hình bất ổn toàn cầu, nhiều nhà đầu tư tìm cách phòng ngừa rủi ro ngày càng gia tăng ở Trung Quốc bằng cách mở rộng danh mục đầu tư sang các thị trường châu Á triển vọng khác, từ đó thúc đẩy sự phát triển của các trung tâm tài chính đang tiếp nhận dòng vốn chuyển dịch.
Báo cáo của EIU nhận định trong khi yếu tố địa chính trị tiếp tục gây thách thức cho Trung Quốc và Hong Kong, thị trường vốn tại Nhật Bản và Ấn Độ sẽ tiếp tục phát triển trong vài năm tới. Ngoài ra, Singapore cũng sẽ thu hút phần lớn hoạt động tài chính rời khỏi Hong Kong.
Hong Kong đã chịu áp lực lớn từ sự kiểm soát của Trung Quốc. Vào tháng 3/2024, một đạo luật lớn đã được thông qua, cho phép chính quyền bắt giữ và trừng phạt bất kỳ ai bị cho là có "ý định" gây hại cho an ninh quốc gia. Điều này là một sự mở rộng của luật pháp mà chính quyền Bắc Kinh đã áp dụng lên Hong Kong từ tháng 6/2020.
Theo báo cáo, Singapore đã củng cố vị thế của mình như một trung tâm tài chính quốc tế và hưởng lợi từ việc Trung Quốc thắt chặt kiểm soát đối với Hong Kong. Lượng tài sản tư nhân và dòng vốn đổ vào quốc gia này đạt mức kỷ lục, nhờ vào sự ổn định và chính sách thị trường thân thiện với doanh nghiệp và thuế thấp.
Báo cáo cũng đánh giá rằng vị thế của Hong Kong đã bị suy giảm do các hành động của Trung Quốc, cũng như cuộc chiến thương mại kéo dài giữa Trung Quốc và Mỹ, dẫn đến sự tháo chạy của các khoản đầu tư nước ngoài và chuyên gia tài chính.
Thêm vào đó, những khó khăn kinh tế của Trung Quốc, với sự suy giảm trong lĩnh vực bất động sản và công nghệ, càng làm suy yếu niềm tin vào Hong Kong. Số vốn huy động được từ các đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) tại thành phố này đã chạm mức thấp nhất trong 20 năm qua.
Trong khi Singapore dự kiến sẽ hưởng lợi từ làn sóng chuyển dịch vốn khỏi Hong Kong, báo cáo cũng chỉ ra rằng đảo quốc sư tử cũng đối mặt với một số thách thức, bất chấp việc lượng tài sản quốc tế ngày càng gia tăng. Hiệu suất của sàn chứng khoán Singapore mờ nhạt so với thành công của thị trường tư nhân. Và hoạt động IPO có thể tiếp tục trầm lắng trong nửa cuối năm 2024.
Theo EIU, các công ty tăng trưởng cao được hỗ trợ bởi quỹ tư nhân và quỹ đầu tư mạo hiểm có thể không muốn niêm yết công khai trong bối cảnh lãi suất cao, với số lượng công ty hủy niêm yết trên Sở Giao dịch Singapore (SGX) thường xuyên vượt quá số lượng công ty niêm yết mới. Năm ngoái, chỉ có sáu công ty thực hiện IPO trên bảng chính của sàn này.
Ngoài ra, Nhật Bản và Ấn Độ cũng có thể được hưởng lợi từ sự dịch chuyển khu vực khỏi Trung Quốc. EIU nhận định tại Nhật Bản, khung pháp lý vững chắc, hệ thống ngân hàng thương mại vốn hóa cao và rủi ro tài chính thấp là những yếu tố thu hút nhà đầu tư.
Tại Ấn Độ, báo cáo nêu bật rằng các sàn giao dịch chứng khoán của nước này đã nổi lên như sân chơi của những nhà lãnh đạo toàn cầu về IPO vào năm ngoái, với tổng cộng 220 đợt phát hành công khai, huy động được 6,9 tỉ USD.
Ở Ấn Độ, chỉ số Sensex và Nifty 50 đều tăng hơn 18% vào cuối năm 2023. Sự tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ, được thúc đẩy bởi hoạt động sản xuất mạnh mẽ và chi tiêu tiêu dùng, đã củng cố hiệu suất thị trường, báo cáo viết.
Có thể bạn quan tâm:
Xu hướng nước hoa nhẹ nhàng lên ngôi
Nguồn Nikkei Asia