Nhật Bản - Hy Lạp của châu Á
Nợ nần chồng chất
Tokyo đang trở thành thánh địa tiêu dùng. Các khu vực tại thủ đô của Nhật Bản dường như được phân loại theo nhóm đối tượng, ví dụ như quận Sugamo là nơi dành riêng cho người già. Ngược lại, khu vực Hurajuku tràn ngập những thanh niên ăn mặc đúng mốt. Nhưng toàn bộ thế giới hào nhoáng này chỉ là một sự ảo tưởng. Vì trong nhiều năm qua, không một quốc gia nào sống phụ thuộc nhiều vào tiền đi vay như Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới. Trong vài thập niên qua, các chính quyền của Nhật Bản đã tích lũy một khoản nợ lên tới 11.000 tỷ euro, chiếm tới 230% GDP hàng năm của nước này. Mức nợ của Nhật Bản còn cao hơn cả mức nợ của Hy Lạp, vốn chiếm 165% GDP của quốc gia Nam Âu này.
Chi tiêu quá đà đã biến Nhật Bản thành một quả bom nổ chậm và một ví dụ điển hình mà châu Âu có thể học hỏi trong việc xử lý cuộc khủng hoảng nợ công của chính châu lục này. Quốc gia từng được coi là điều kì diệu của nền kinh tế thế giới chưa bao giờ phục hồi hoàn toàn sau sự sụp đổ của thị trường chứng khoán và cuộc khủng hoảng bất động sản, vốn từng làm rung chuyển nước này trong những năm 1990. Chính phủ phải giải cứu các ngân hàng còn các công ty bảo hiểm thì phá sản. Tăng trưởng kinh tế hàng năm thường chỉ đạt ở mức không đáng kể, nguồn thu từ thuế chưa bao giờ bù đắp được một nửa chi tiêu chính phủ. Quả thực, Nhật Bản đang mắc kẹt trong vòng luẩn quẩn của thâm hụt ngân sách.
Việc bi kịch này cho tới nay vẫn tiếp diễn một cách khá âm thầm có thể là do một hiện tượng kỳ lạ: Khác với các quốc gia đang gặp khủng hoảng trong eurozone, Nhật Bản từ trước đến nay hầu như không phải trả lãi cho các khoản vay của mình. Trong khi Hy Lạp mới đây phải trả mức lãi suất lên tới 2 con số, mức lãi suất tại Nhật Bản chỉ là 0,75%. Ngay cả Đức, nền kinh tế mạnh nhất Eurozone, còn phải trả lãi suất cao hơn thế.
Nguyên nhân của hiện tượng này lại rất đơn giản. Trái ngược với các nước trong eurozone, Chính phủ Nhật Bản đến nay đều vay tiền từ chính người dân nước mình. Các ngân hàng và Cty bảo hiểm đã mua 95% trái phiếu Chính phủ bằng tiền tiết kiệm của người dân. Người dân Nhật Bản rõ ràng đang tin tưởng chắc chắn rằng chính phủ rồi sẽ trả được các khoản nợ và họ tiếp tục cho chính phủ vay một lượng tiền khổng lồ.
Tuy nhiên, các chuyên gia lại cảnh báo thực trạng này không thể tiếp tục kéo dài. Takatoshi Ito, giáo sư ngành kinh tế tại Đại học Tokyo, cho rằng Nhật Bản có nguy cơ trở thành "một Hy Lạp tiếp theo," nếu chính phủ không làm gì để ngăn chặn tình trạng này. Vì đến một lúc nào đó, nguồn tiền trong dân chúng sẽ cạn kiệt. Ito và một đồng nghiệp đã tính toán rằng, ngay cả khi người dân Nhật Bản đầu tư toàn bộ tài sản của họ vào trái phiếu Chính phủ, lượng tiền này chỉ đáp ứng đủ chi tiêu Chính phủ trong 12 năm.
Vậy ai sẽ giải cứu Nhật Bản một khi viễn cảnh này xảy ra? Jorg Kramer, nhà kinh tế trưởng của ngân hàng Commerzbank, dự đoán: "Nếu Nhật Bản phải tìm kiếm các nhà đầu tư từ nước ngoài, nước này sẽ không tránh khỏi một cuộc khủng hoảng nợ."
Người được giao nhiệm vụ ngăn chặn thảm họa này, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản Masaaki Shirakawa chưa bao giờ tuân thủ các quy định chắc chắn về chính sách tiền tệ mà các đồng nghiệp phương Tây như Thống đốc Ngân hàng Liên bang Đức Jens Weidmann liên tục rao giảng. Thay vào đó, Shirakawa lại cho in thêm tiền nhằm kích thích nền kinh tế.
Từ năm 2011, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đã đưa ra các chương trình cứu trợ khẩn cấp có trị giá lên tới 900 tỷ euro, trong khi quỹ giải cứu của Eurozone và tất cả các nước thành viên cùng đóng góp chỉ có giá trị 700 tỷ euro. Trong một thời gian dài, các ngân hàng có thể vay tiền từ Ngân hàng Trung ương Nhật Bản với lãi suất gần như bằng 0. Với phương thức này, Shirakawa đang làm chính điều mà các chính trị gia Nam Âu đòi hỏi từ Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB): Trên thực tế, ông đang cung cấp vốn cho Chính phủ, ít nhất là theo đường vòng, ngay cả khi ông kiên quyết phủ nhận cáo buộc trên. Tuy nhiên, biện pháp của Shirakawa cho đến nay vẫn chưa giúp được gì nhiều. Ông thừa nhận: "Vào lúc này, chính sách tiền tệ của chúng tôi có rất ít tác động lên nền kinh tế."
Nguy cơ khủng hoảng lớn
Thống đốc Shirakawa hiện phải chịu nhiều áp lực. Chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe, một chính trị gia theo đường lối bảo thủ, vừa mới đây đã thẳng thừng yêu cầu Shirakawa in thêm tiền. Thủ tướng Abe muốn khởi động một chương trình kích thích kinh tế mới có trị giá lên tới 91 tỷ euro, theo đó nền kinh tế Nhật Bản sẽ lại được tiếp thêm năng lượng thông qua các khoản đầu tư công vào lĩnh vực xây dựng. Thủ tướng Abe mới đây đã tuyên bố rằng ông muốn Shirakawa đồng thời bơm vào nền kinh tế một lượng tiền không giới hạn. Nếu Ngân hàng Trung ương Nhật Bản không muốn tham gia kế hoạch này, Abe cảnh báo sẽ thay đổi luật và đặt ngân hàng này dưới sự kiểm soát của Chính phủ.
Các nhà kinh tế không mấy quan tâm đến những ý tưởng như thế. Nhà kinh tế Kramer nhận định: "Nó cũng tương tự như việc một lái xe ôtô đang lao về phía một bức tường và tăng ga thêm lần nữa trước khi va chạm". Klaus-Jurgen Gern, một chuyên gia về châu Á tại Viện Nghiên cứu kinh tế toàn cầu ở Kiel lại dùng từ "sự bất lực hoàn toàn" khi nhắc đến vấn đề này.
Shirakawa dường như không biết ông nên phản ứng như thế nào. 4 ngày sau chiến thắng của Abe trong cuộc bầu cử, vị Thống đốc này có vẻ đã chấp thuận yêu cầu nói trên và cho tăng giá trị chương trình khẩn cấp mua trái phiếu Chính phủ và chứng khoán lên thêm 90 tỷ euro. Các nhà quan sát gọi hành động này là một món quà Giáng sinh cho vị tân thủ tướng độc đoán. Nhưng đồng thời, Shirakawa cũng nhận ra rằng ông chỉ đang phung phí thêm tiền.
Tuy nhiên, mọi nỗ lực chính trị trong nhiều thập niên qua nhằm thúc đẩy hoạt động của một nền kinh tế bị điều tiết quá mức đều thất bại. Theo Martin Schulz, người làm việc cho Viện Nghiên cứu Fujitsu tại Thủ đô Tokyo từ năm 2000, nền kinh tế Nhật Bản đã bỏ lỡ nhiều cuộc cách mạng công nghệ thông tin, vì người ta muốn giữ lại càng nhiều việc làm càng tốt thông qua sự điều tiết cực độ của nhà nước.
Thủ tướng Abe đang muốn từ bỏ kế hoạch tăng thuế giá trị gia tăng theo từng bước từ 5% lên 10% của người tiền nhiệm, cựu Thủ tướng Noda. Ông Shirakawa cảnh báo: "Nếu chúng ta không áp dụng các cải cách tài khóa cần thiết, lãi suất cho trái phiếu Chính phủ Nhật Bản rồi sẽ tăng lên".
Nếu viễn cảnh này xảy ra, nó sẽ giống như việc lấy một lá bài từ trung tâm của một ngôi nhà được dựng lên bằng các lá bài, vì chính phủ Nhật Bản hiện đã chi tới 1/4 ngân sách hàng năm cho việc trả lãi các khoản nợ. Nếu Tokyo buộc phải trả lãi suất cao hơn, núi nợ của nước này sẽ còn tăng lên nữa với tốc độ chóng mặt. Ông Shirakawa cũng nói rằng "một lượng lớn trái phiếu chính phủ nằm lại trong khu vực ngân hàng" cũng là "một nguy cơ tiềm tàng". Nếu lãi suất đột nhiên tăng mạnh vì một lí do nào đó, việc này có thể gây nguy hiểm tới sự ổn định của các ngân hàng. Đấy cũng chính là thời điểm cho thấy cuộc khủng hoảng sẽ vượt ra ngoài biên giới Nhật Bản.
Vì vậy, rất khó để đánh giá hậu quả của một cuộc khủng hoảng nợ ở Nhật Bản. Nhưng nhà nghiên cứu Schulz tin rằng sẽ không xảy ra một sự sụp đổ lớn tại quốc gia này. Vì các chủ nợ của Nhật Bản sẽ đưa trái phiếu ra bán trên thị trường một cách từ từ nhằm tự bảo vệ bản thân, nên trong những năm tới sẽ xảy ra "nhiều cuộc khủng hoảng nhỏ".
Schulz cũng như các nhà kinh tế khác đều cho rằng vẫn còn có cơ hội cho các biện pháp ngăn chặn như tăng thuế. Mức thuế tại Nhật Bản hiện ở mức khá thấp. Tuy nhiên chuyên gia Kramer lại cảnh báo mọi người đang đánh giá thấp mối nguy hiểm của một cuộc khủng hoảng nợ tại Nhật Bản. Ông nói: "Những ảnh hưởng về mặt tâm lý là nguy hiểm nhất". Chuyện gì sẽ xảy ra nếu các nhà đầu tư đột nhiên mất niềm tin vào các quốc gia mắc nợ chồng chất khác như Mỹ, nước có có mức nợ công cao thứ nhì thế giới?
Chuyên gia về châu Á Gern cho biết: "Nhật Bản vẫn luôn là một trong số các quốc gia công nghiệp lớn nhất thế giới và đồng yên là đồng tiền quan trọng trong giao dịch thanh toán quốc tế. Nếu mọi việc vượt ra ngoài tầm kiểm soát, thế giới sẽ phải đối mặt với một vấn đề thực sự".
Nguồn Pháp luật Xã hội