Nhập cư vào Nhật: Cánh cửa hé mở
Tại vùng Shin-Okubo của Tokyo, mùi thức ăn Hàn Quốc thoảng trong không khí, lại nghe người ta “xì xào” bằng tiếng Hàn với nhau. Một siêu thị bán món kim chi được đặt cạnh một cửa tiệm bán món kebab do một người Ấn Độ làm chủ. Cửa tiệm này có nhiều tờ rơi quảng bá về đạo Hồi, tôn giáo của người chủ cửa hàng vốn được sinh ra ở thành phố Calcutta, thuộc Ấn Độ. Một công ty bất động sản địa phương quảng cáo nhân viên của họ có thể nói tiếng Trung Quốc, tiếng Việt và cả tiếng Thái để phục vụ những người nước ngoài có nhu cầu thuê căn hộ.
Những gì diễn ra ở Shin-Okubo là điều hiếm hoi ở Nhật. Đất nước này vẫn khá khép kín đối với người nước ngoài, vốn chiếm chỉ 2% trong số 127 triệu dân, so với mức trung bình 12% của các nước giàu thuộc khối OECD. Tuy nhiên, Nhật lại đặc biệt thiếu lao động. Có tới 83% doanh nghiệp tại Nhật gặp khó khăn trong việc tuyển dụng, theo hãng tuyển dụng nhân sự Manpower, mức cao nhất trong số những nước mà công ty này thực hiện khảo sát. Vấn đề lao động ở Nhật đang xấu đi rất nhanh. Dân số Nhật dự kiến sẽ giảm còn 87 triệu người vào năm 2060 và dân số ở độ tuổi lao động (15-64 tuổi) từ 78 triệu người giảm còn 44 triệu người do già hóa.
Keidanren, hiệp hội doanh nghiệp Nhật và những nhà lãnh đạo doanh nghiệp nổi tiếng như Takeshi Niinami, đứng đầu hãng nước giải khát Suntory, đã từ lâu kêu gọi Chính phủ Nhật mở cửa hơn cho dân nhập cư.
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe cho biết ông muốn gia tăng tỉ trọng phụ nữ Nhật đi làm, vốn ở mức tương đối thấp và muốn tất cả công dân Nhật đều làm việc cho đến tuổi già, trước khi mở cửa cho người nước ngoài nhập cư vào Nhật. Nhưng chính quyền của ông Abe cũng đã bắt đầu đi những bước nhỏ để gia tăng số người nhập cư. Nhật đã âm thầm nới lỏng gần như là một lệnh cấm visa đối với lao động kỹ năng thấp, khi cho phép nữ giúp việc người nước ngoài làm việc trong các đặc khu kinh tế. Giờ họ cũng đang nói về việc nới lỏng các yêu cầu đối với những người làm công việc chăm sóc người già, người bệnh đến từ Philippines.
Chính quyền cũng nới lỏng yêu cầu về visa thực tập và visa sinh viên và “mắt nhắm mắt mở” đối với những đơn vị sử dụng loại visa này để tuyển dụng lao động làm những công việc không cần kỹ năng hay đào tạo tại các combini (các cửa hàng tiện lợi có mặt khắp nơi trên nước Nhật, thường sử dụng nhân viên người Trung Quốc), hoặc trong ngành lâm nghiệp, đánh bắt, nông nghiệp và chế biến thực phẩm. Nhật có thể gia hạn visa thực tập từ 3 năm đến 5 năm. Ông Abe cũng đã tuyên bố sẽ giảm khoảng thời gian mà những cư dân tạm trú ở Nhật phải sinh sống ở Nhật nếu muốn trở thành cư dân thường trú, có lẽ còn chưa tới 3 năm từ mức 5 năm hiện nay.
Tất cả những điều này đang tạo ra chuyển biến rõ rệt. Năm ngoái, số cư dân thường trú người nước ngoài ở Nhật đã đạt kỷ lục 2,23 triệu, tăng tới 72% so với cách đây 20 năm; số người có visa không thường trú cũng đang tăng lên. Nhưng mục tiêu dường như chỉ là gia tăng số lao động tạm thời và tạo ra một hệ thống dễ chịu hơn cho những lao động có tay nghề, chứ không phải là một nỗ lực giúp cho người nước ngoài có thể an cư lạc nghiệp tại Nhật trên quy mô lớn. Chỉ một số rất ít người nước ngoài trở thành công dân Nhật và thậm chí còn ít người hơn nữa được cấp quyền xin tị nạn: chỉ 27 người vào năm 2015, chiếm 0,4% số hồ sơ nộp lên.
Một số ý kiến ủng hộ việc mở rộng hơn nữa cánh cửa nhập cư. Hidenori Sankanaka, đứng đầu Viện Chính sách nhập cư Nhật, cho rằng Nhật cần 10 triệu người nhập cư trong vòng 50 năm tới. Chí ít, nước này cần có một chính sách rõ ràng về việc cho phép nhập cư những lao động người nước ngoài không đòi hỏi kỹ năng, hơn là ngó lơ việc lạm dụng visa thực tập và visa sinh viên, theo Shigeru Ishiba, nhà làm luật nổi tiếng thuộc Đảng Dân chủ Tự do Nhật. Ông cũng cho rằng Chính phủ cần phải đề ra những chi tiết cụ thể về số người cho nhập cư vào Nhật và cả khung thời gian.
Cái nhìn của công chúng đối với nhập cư dường như đang dần thay đổi. Cuộc trưng cầu dân ý gần đây do WinGallup thực hiện cho thấy ngày càng nhiều người Nhật có “cảm tình” với việc nhập cư hơn là chống đối với tỉ lệ 22% so với 15%, mặc dù có tới 63% người trả lời rằng họ không chắc chắn.
Rõ ràng, việc người Nhật nồng nhiệt chào đón nhiều người nước ngoài đến với nước họ là chuyện khó có thể xảy ra. Những người theo chủ nghĩa dân tộc của Nhật không có quyền lực của các phong trào chống nhập cư trên diện rộng của châu Âu. Nhưng nước này tự hào về tính đồng nhất của họ và mặc dù giới truyền thông không còn đổ lỗi những vấn đề xã hội tại Nhật là do nhập cư, nhưng sự phân biệt vẫn còn đó. Một ví dụ là nhiều chủ đất không chấp nhận cho người nước ngoài thuê, theo Li Hong Kun, công ty bất động sản Trung Quốc tại Shin-Okubo, vì họ không chịu tuân theo các quy định như phải giữ yên lặng sau 10 giờ đêm và phải phân loại rác đàng hoàng. Những người khác thì lấy các cuộc tấn công khủng bố tại châu Âu làm lý do để giữ nước Nhật cho riêng người Nhật. Người Brazil gốc Nhật, vốn được khuyến khích di cư sang Nhật vào thập niên 1980, chưa bao giờ thực sự được xã hội chấp nhận mặc dù họ cũng là người Nhật, theo ghi nhận của Tatsuya Mizuno, tác giả một cuốn sách về cộng đồng người Brazil gốc Nhật.
Thậm chí ông Sakanaka và ông Ishiba, những người ủng hộ nhiệt thành cho việc mở cửa nhập cư, cũng cho rằng tất cả những người nhập cư phải học tiếng Nhật và học phong tục địa phương như thể hiện lòng tôn kính đối với hoàng tộc. Nhưng viễn cảnh kinh tế về một làn sóng nhập cư lớn hơn tại Nhật là không thể né tránh. Bởi lẽ, đối với những người như ông Abe, để mang lại sự phục hưng cho đất nước, gần như họ không còn sự lựa chọn nào khác.
Thế Sơn
Nguồn The Economist