Nhân dân tệ yếu đe dọa kinh tế toàn cầu lớn hơn Brexit
Giới đầu tư đang phớt lờ việc nhân dân tệ đang suy yếu một cách từ từ, nhưng có thể họ đang mắc sai lầm nghiêm trọng.
Giới chức nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đã tận dụng lợi thế từ việc đưa tin về Brexit và các sự kiện khác như Olympics Rio và cuộc bầu cử tổng thống Mỹ để từ từ hạ giá nhân dân tệ (NDT) so với cả USD và các đồng tiền khác trong giỏ tiền tệ mà không gây ra cơn hoảng loạn cho thị trường tài chính toàn cầu. Điều này trái ngược với sự biến động của thị trường toàn cầu sau khi Trung Quốc bất ngờ phá giá NDT hồi tháng 8/2015 và đợt lao dốc của đồng tiền này hồi tháng 1/2016.
Nhưng việc giới đầu tư đang không chú ý không có nghĩa rằng họ sẽ không làm như vậy. Trung Quốc đang sử dụng NDT yếu để giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và trì hoãn việc thanh toán nợ công và nợ tư nhân.
Do được sử dụng để “che giấu” những vấn đề liên quan đến nền kinh tế đang bị đòn bẩy quá mức một cách nguy hiểm, việc đều đặn hạ giá NDT gây ra mối nguy lớn hơn cho nền kinh tế toàn cầu so với Brexit, Michael Arone, chiến lược gia đầu tư tại State Street Global Advisors, nhận định.
Rõ ràng, giới chức Trung Quốc đã tận dụng lợi thế mối bận tâm của thị trường về sự kiện Brexit. Hôm 23/6 - ngày người dân Anh đi bỏ phiếu về việc đi hay ở lại EU - giới chức Trung Quốc lặng lẽ hạ giá NDT thêm 1% so với USD - mức giảm lớn nhất trong một ngày kể từ ngày 11/8/2015 - sự kiện được “đổ lỗi” cho sự biến động thị trường toàn cầu vào cuối tháng 6 sau sự kiện Brexit.
Điều kỳ lạ là việc hạ giá NDT trong năm qua có tác động rất nhỏ (nếu có) đến thị trường tài chính toàn cầu. Nhưng điều này có lẽ vì các nhà đầu tư xao nhãng chưa quan tâm đúng mức mà thôi, ông Arone nhận định.
NDT yếu đang giúp Trung Quốc trì hoãn việc tìm ra phương thức bền vững để giảm khối nợ. “Chính sách tiền tệ mang tính hỗ trợ, quy định mềm dẻo và hoạt động cho vay không hiệu quả đang làm xấu hơn thực trạng nợ của Trung Quốc”, ông Arone nói.
Đứng ở 160% GDP, Trung Quốc đang có tỷ lệ nợ công ty cao nhất thế giới. Năm 2015, có đến 44% lượng phát hành mới chỉ để trả nợ hiện có. IMF dự báo rằng thua lỗ tiềm tàng của Trung Quốc do các công ty mất khả năng trả nợ có thể vượt 7% GDP. McKinsey & Company cho rằng tỷ lệ này có thể lên đến 15% vào năm 2019 nếu Trung Quốc tiếp tục lộ trình cho vay như hiện nay.
Các biện pháp kiểm soát vốn chặt chẽ hơn đã giúp kiềm chế dòng vốn tháo chạy khỏi Trung Quốc. Nhưng giới chức nước này cũng tìm ra những phương thức sáng tạo để che giấu những dấu hiệu về sự tháo chạy dòng vốn. Điều này rất quan trọng: lo ngại về dòng vốn tháo chạy khỏi nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đã châm ngòi cho 2 đợt bán tháo chứng khoán toàn cầu vừa qua.
Theo Goldman Sachs, có đến 170 tỷ NDT đã tìm đường chạy sang thị trường Hong Kong kể từ tháng 10/2015. Trong khi đó, một báo cáo của Nomura Holdings cho rằng, Trung Quốc đang che giấu sự tháo chạy của dòng vốn bằng cách nâng giá trị hóa đơn nhập khẩu từ các thiên đường thuế như American Samoa.
12 tháng qua, USD đã tăng 4% so với NDT giao dịch tại thị trường đại lục. Trong khi so sacsnh với các đồng tiền đối thủ trong giỏ tiền tệ, đồng nội tệ của Trung Quốc giảm đến 7% trong năm qua.
Nhật Trường
Nguồn MW