"Nhân dân tệ vẫn quá thấp so với giá trị thực"
Kể từ năm 1998, thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc tăng lên gần 300 tỷ USD, vượt cả thành quả từ gói kích thích kinh tế tổng thống Obama đưa ra.
Năm 1998, khi Mỹ và Trung Quốc đàm phán để Trung Quốc gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO), tỷ giá đồng tiền hai quốc gia là 8,28 nhân dân tệ/ USD, và thâm hụt thương mại song phương của Mỹ là 56 tỷ USD. Hai nước cũng kí hiệp định thương mại để đẩy mạnh thâm nhập vào thị trường của nhau. Chính phủ Mỹ lúc đó hi vọng Trung Quốc sẽ cho phép ô tô cũng như các hàng hóa khác được nhập khẩu vào Trung Quốc.
Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn giữ thuế suất, cũng như các rào cản hành chính, mà chỉ các loại hàng hóa cao cấp mà những người mua giàu có, vốn không quan tâm đến giá cả, mới có thể vượt qua những hàng rào này.
Ngoài ra, hàng rào lớn nhất với Mỹ ở Trung Quốc và cũng là lợi thế lớn nhất của hàng hóa Trung Quốc tại Mỹ, nhân dân tệ dưới giá trị thực, vẫn giữ nguyên không đổi.
Từ năm 1998, xuất khẩu đã đóng góp to lớn vào tiến trình hiện đại hóa đất nước, GDP Trung Quốc tăng 250%, nhưng lao động chỉ tăng 12%. Phần đóng góp nhiều cho tăng trưởng GDP là bùng nổ năng suất lao động, tăng 250%, gấp 10 lần mức 25% ở Mỹ.
Bên cạnh đó, lạm phát ở Mỹ cũng cao hơn Trung Quốc một chút.
Vậy, những điều này đáng ra phải được phản ánh trong giá trị nhân dân tệ, và nhân dân tệ phải được giao dịch ở khoảng 3,73 nhân dân tệ đổi 1 USD, cao hơn 40% giá trị hiện tại. Nhưng từ năm 1998, nhân dân tệ chỉ tăng nhẹ, tổng cộng tới nay khoảng 32%.
Nghịch lý này là do Trung Quốc đã kiểm soát dòng vốn, và từ đó tác động tới giá trị tiền tệ. Các nhà xuất khẩu của Trung Quốc không được phép giữ USD thu được từ việc bán hàng hóa, mà phải đổi ra nội tệ. Ngân hàng trung ương Trung Quốc in thêm nhân dân tệ để mua USD nhằm ngăn nội tệ tăng quá nhiều. Nhờ đó, dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc đã tăng từ 53 tỷ USD lên 3.200 tỷ USD.
Đồng thời, Trung Quốc cũng giới hạn đầu tư nước ngoài ở hầu hết các ngành công nghiệp, bao gồm sản xuất, khai khoáng và ngân hàng. Nếu không còn rào cản này, áp lực tăng giá nhân dân tệ có thể tăng vọt.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc không thấy được lợi ích từ việc để thị trường tự hoạt động, mà chỉ luôn tìm cách kiểm soát để giúp các nhà xuất khẩu hưởng lợi. Điều này vừa khiến giảm mức sống mà người lao động Trung Quốc đáng ra được hưởng, lại vừa làm giảm tăng trưởng kinh tế, lao động và tiền lưởng ở Mỹ.
Cho phép trao đổi tự do tiền tệ, và giải phóng nguồn vốn sẽ giúp cân bằng cán cân thương mại theo hai hướng. Thứ nhất, người lao động Trung Quốc sẽ giàu có hơn, và có thẻ mua hàng hóa nước ngoài với giá thấp hơn. Thứ hai, GDP của Mỹ có thể tăng khoảng 500 tỷ USD, tạo ra 5 triệu việc làm và tăng trưởng nhanh hơn.
Nguồn CNBC/DVT