Nhân dân tệ phải "hóa rồng"
Bài toán kinh tế
Gắn liền với sự nổi lên của Trung Quốc, việc quốc tế hóa nhân dân tệ sẽ đem lại cho quốc gia này lợi ích ít nhất trên hai phương diện:
Một là các lợi ích trực tiếp về mặt thương mại. Nhân dân tệ trở thành đồng tiền quốc tế vừa giúp tăng cường ảnh hưởng thương mại của Trung Quốc với quốc tế, vừa mang lại nhiều lợi nhuận hơn cho các công ty trong nước. Sau ba thập niên đầu tư phát triển, kinh tế Trung Quốc đang trên đà tăng tốc nhanh chóng. Tính đến 2011, giá trị thương mại Trung Quốc đạt khoảng 3,6 ngàn tỷ USD, chiếm 9,5% tổng thương mại toàn cầu. Trong bối cảnh đó, việc duy trì một đồng tiền yếu sẽ không còn là phù hợp khi chỉ có lợi cho xuất khẩu mà lại thiệt hại cho nhập khẩu và vấp phải sự phản đối từ quốc tế.
Còn đối với các công ty Trung Quốc, sử dụng nhân dân tệ trong thanh toán quốc tế sẽ giảm thiểu rủi ro về tỉ giá hối đoái và tăng khả năng cạnh tranh của các tổ chức tài chính Trung Quốc trên thị trường. Nhưng quan trọng hơn, việc quốc tế hóa đồng nhân dân tệ sẽ giúp "cường quốc kinh tế số 2" giảm bớt sự phụ thuộc vào đồng USD trong mối quan hệ với "cường quốc số 1".
Trung Quốc hiện đang là chủ nợ lớn nhất của Mỹ với lượng dự trữ ngoại hối khoảng 3000 tỉ USD, chiếm 1/3 tổng dự trữ ngoại hối thế giới. Tuy nhiên, với khả năng "xuất khẩu lạm phát" của Mỹ thì khối tài sản này bỗng trở thành "cái bẫy USD" khổng lồ. Do vậy, việc quốc tế hóa để đồng nhân dân tệ trở nên độc lập hơn là một cách để Trung Quốc giảm thiểu "nguy cơ" đã nhìn thấy trước này.
Những lợi ích chính trị
Mặc dù Trung Quốc hiện đã là nền kinh tế thứ hai thế giới và dự đoán sẽ vượt Mỹ vào năm 2020 nhưng xét trên thực tế, đứng đầu về chỉ số GDP không phải là một thành tích quá ý nghĩa, đặc biệt khi Trung Quốc là quốc gia có dân số đông nhất thế giới. Mỹ cũng đã từng vượt qua Anh ngay từ giữa thế kỷ 19 nhưng suốt 100 năm sau đó, Anh vẫn là "đầu tàu" của nền kinh tế thế giới. Mỹ chỉ thực sự "soán" ngôi vị này kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ II, Mỹ lợi dụng sự suy yếu của Anh để đưa USD trở thành đồng tiền quốc tế, kiểm soát kinh tế-tài chính toàn cầu, với nguyên lý "bất di bất dịch": có sức mạnh kinh tế sẽ có khả năng tác động về chính trị.
Do đó, Trung Quốc cũng cần đưa nhân dân tệ trở thành "công cụ thực thi quyền lực có tính toán", trước tiên là với những nước có quan hệ kinh tế với Trung Quốc. Có thể nhận thấy tham vọng này qua việc Trung Quốc muốn "nắm chốt" trong kế hoạch thành lập ngân hàng chung của khối BRICS (Tổ chức các nền kinh tế lớn mới nổi gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi), rồi thông qua ngân hàng này thực hiện các khoản vay và hỗ trợ bằng nhân dân tệ cho các nước BRICS, châu Phi và Mỹ Latinh…
Với những ý nghĩa to lớn như vậy, việc quốc tế hóa đồng nhân dân tệ có ý nghĩa chiến lược quan trọng đối với vận mệnh phát triển của Trung Quốc, là "ván cờ" không thể bại khi mà bài học đồng yen Nhật cách nay chỉ vài chục năm vẫn còn dai dẳng.
Ba bước tiến, một chiến lược
Không phải là nước đầu tiên thực hiện quốc tế hóa đồng tiền của mình, Trung Quốc dường như đã rút được nhiều bài học kinh nghiệm từ các trường hợp đi trước. Do vậy, chiến lược dành cho nhân dân tệ không đơn thuần là "ẩn mình chờ thời" như đồng USD Mỹ hoặc chịu sức ép tăng giá từ nước khác như đồng yen Nhật mà còn là một lộ trình được xây dựng cụ thể, cẩn thận.
Việc quốc tế hóa được Trung Quốc thực hiện bằng một chiến lược dài hạn trong vòng 30 năm, với ba bước về khu vực bao gồm "láng giềng hóa", "khu vực hóa" tiến tới "quốc tế hóa". Trung Quốc phối hợp thực hiện ba bước về mục tiêu chức năng: Một là dùng nhân dân tệ trong giao dịch, buôn bán với các nước, từ đó tăng tỉ lệ sử dụng nhân dân tệ trong thanh toán quốc tế; hai là dựa trên sức mạnh kinh tế và các kênh hợp tác kinh tế để biến nhân dân tệ thành đồng tiền đầu tư quan trọng tại những khu vực tài chính lớn của thế giới; ba là trở thành đồng tiền dự trữ quốc tế, đồng tiền dự trữ ngoại hối quan trọng của các quốc gia khác.
Đây là một chiến lược đồng bộ và toàn diện nhắm tới cả hai mục đích: Mở rộng tầm phổ biến, sức ảnh hưởng (thông qua ba bước khu vực) và nâng cao vai trò, vị thế (thông qua ba bước chức năng) của "đồng bạc đỏ" trong hệ thống kinh tế-tài chính thế giới. Với việc hoạch định từng bước, từng điểm như vậy, Trung Quốc có thể vừa "lượng sức mình", vừa kéo dài thời gian chuẩn bị các điều kiện cần thiết, vừa xây dựng các mô hình thể nghiệm.
Tại thời điểm bắt tay vào quốc tế hóa đồng tiền của mình, Trung Quốc đã nắm trong tay "nửa phần thắng" khi may mắn có được những điều kiện về "thiên thời, địa lợi". Thứ nhất là các đối thủ lớn đều mắc phải nhiều khó khăn: Khủng hoảng kinh tế đã khiến cả Mỹ và Nhật Bản suy yếu phần nào, trong khi EU đối mặt với khủng hoảng nợ công kéo theo bất ổn trên chính trường một số nước trong khu vực. Thêm vào đó, sau lần chao đảo vì khủng hoảng tài chính-tiền tệ 2008, thế giới đã vỡ lẽ ra rằng việc hệ thống tiền tệ đơn cực neo theo đồng USD quả là một cái bẫy nguy hiểm. Do đó, ngày càng nhiều ý kiến ủng hộ việc đa dạng hóa tiền tệ dự trữ quốc tế và hiển nhiên, với sức mạnh kinh tế ngày càng gia tăng của mình, Trung Quốc trở thành một "ứng cử viên" sáng giá.
Dư quyết tâm nhưng… thừa thận trọng
Tại các cuộc họp thượng đỉnh của nhóm cũng như các hội nghị toàn cầu khác, nhóm BRICS nhiều lần đưa ra yêu cầu "cải tổ trật tự tiền tệ thế giới", trong khi Pháp từng đề nghị nhân dân tệ tham gia vào rổ tiền tệ quốc tế SDR (đơn vị tiền tệ quy ước của một số nước thành viên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế) trong cuộc họp G20 (4-2011).
Với vị thế là "nền kinh tế hàng đầu" của châu Á, Trung Quốc dễ dàng sử dụng ảnh hưởng đối với các khu vực do Trung Quốc kiểm soát (Hong Kong, Macau) và các nước đồng minh, đối tác lân cận để biến khu vực này thành những "phép thử", làm "bàn đạp" để tiến tới quốc tế hóa nhân dân tệ. Hiện Trung Quốc vẫn đang tập trung "nuôi dưỡng" để Hong Kong, Thượng Hải trở thành những "trung tâm giao dịch nhân dân tệ toàn cầu", trễ nhất là vào năm 2020. Và đặc khu kinh tế Thanh Hải (thuộc Thẩm Quyến) được nhận định sẽ trở thành "con át chủ bài" tiếp theo của các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc.
Tuy nhiên, xét trong bối cảnh thế giới và tiềm lực Trung Quốc hiện nay, có lẽ nước này chưa thể hạ bệ hoàn toàn đồng USD mà nhắm tới tăng cường sức mạnh cho nhân dân tệ đồng thời hạn chế sự phụ thuộc vào USD.
Có thể thấy trong các phát biểu của các lãnh đạo Trung Quốc, mặc dù mạnh miệng tuyên bố: "Hệ thống tiền tệ lấy USD làm tiền tệ dự trữ là sản phẩm của quá khứ" nhưng cũng rất thận trọng khi kêu gọi "tái phân bổ quyền lực", "đa dạng hóa tiền tệ dự trữ". Theo Zha Xiaogang, một nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu quốc tế Thượng Hải, một hệ thống tiền tệ quốc tế bao gồm ít nhất là đồng USD, euro và nhân dân tệ (và có thể bao gồm một số đồng tiền khác như yen Nhật và đồng rupee Ấn Độ) sẽ trở nên cân bằng hơn; và với nhiều sự lựa chọn hơn, "lợi nhuận của Mỹ sẽ bị thu hẹp, sức mạnh Mỹ sẽ bị suy yếu."
Thời gian qua, với việc thành lập được các khu vực sử dụng nhân dân tệ xuyên khu vực thông qua hàng chục hiệp định hoán đổi tiền tệ với các nước, có thể nói Trung Quốc đã xây dựng khá thành công những nấc thang đầu tiên. Điều mà giới quan sát đặt ra là cuộc thập tự chinh này sẽ dẫn Trung Quốc và đồng tiền của mình đi tiếp về đâu?
Nguồn Pháp luật TPHCM