Nhân dân tệ lặng sóng, giới đầu tư lo ngại hơn?
Một năm qua, NDT đột ngột bị phá giá 2 lần, khiến thị trường toàn cầu rúng động, đồng thời dấy lên lo ngại đồng tiền này sẽ giảm sâu hơn nữa khi giới chức Bắc Kinh đang phải vật lộn chèo lái nền kinh tế sao cho "hạ cánh mềm" sau nhiều năm tăng trưởng nhờ tăng thêm các khoản nợ.
Từ đó đến nay, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đã cố gắng xoa dịu tình hình bằng cách cải thiện hệ thống tin tức cũng như tăng cường các biện pháp kích thích để thúc đẩy tăng trưởng. Bên cạnh đó, việc Fed trì hoãn nâng lãi suất cùng kìm hãm đà tăng của USD, phần nào giải tỏa áp lực đối với NDT.
Tuy nhiên, các nhà phân tích lo ngại rằng chỉ riêng các biện pháp kích thích là không đủ để giúp kinh tế Trung Quốc hồi phục đà tăng trưởng và hỗ trợ NDT.
Các chỉ số cơ bản về sức khỏe nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục xấu đi, dấu hiệu cho thấy NDT vẫn đang bị định giá quá cao và nhắc nhở giới đầu tư rằng nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới vẫn còn nhiều thách thức phía trước.
Kể từ thời điểm phá giá hồi tháng 8/2015, NDT đã giảm 6,9% so với USD. Sau khi dự trữ ngoại hối sụt giảm 800 tỷ USD, gần đây Trung Quốc đã phần nào kìm hãm được đà tháo chạy của dòng vốn.
Tuy nhiên, cái giá phải trả cho sự ổn định là "cải cách bị chậm trễ", Hung Tran, giám đốc điều hành Viện Tài chính Quốc tế (IIF), cho biết. Để duy trì tăng trưởng, Trung Quốc phải trì hoãn việc cải tổ các doanh nghiệp nhà nước - đang đối mặt với tình trạng dư thừa công suất và nợ xấu.
Đầu tư vào tài sản cố định trong tháng 6 và tháng 7 lần đầu tiên giảm so với cùng kỳ kể từ năm 2012.
Đây là dấu hiệu cho thấy lòng tin kinh doanh đang giảm và giới đầu tư lo ngại rằng việc cấp thêm tín dụng sẽ không còn hiệu quả, Claire Dissãu, nhà kinh tế học tại Millennium Global Investments Ltd, nhận định.
Tổng nợ quốc gia của Trung Quốc đã tăng từ 274% GDP năm 2015 lên 298% GDP năm 2016, theo số liệu của Viện Tài chính Quốc tế (IIF).
Có nhiều dấu hiệu cho thấy người tiêu dùng và doanh nghiệp Trung Quốc tiếp tục dự đoán NDT sẽ giảm giá hơn nữa. Một số nhà xuất khẩu Trung Quốc đang tích trữ USD và giữ lợi nhuận ở nước ngoài - động thái mà theo giới phân tích có thể hạn chế dòng ngoại tệ chảy vào vào đại lục và khiến các ngân hàng thiếu vốn để cho vay.
Nhà đầu tư ngoại cũng lưỡng lự khi rót tiền vào trái phiếu Trung Quốc và tài sản bằng NDT bất chấp những nỗ lực thu hút dòng vốn ngoại của chính phủ nước này. Trái phiếu chính phủ Trung Quốc có lợi tức cao hơn nhiều so với trái phiếu của các nước phương Tây.
Những tháng gần đây, việc điều chỉnh tỷ giá của Trung Quốc chủ yếu chịu tác động của USD. Khi đồng bạc xanh suy yếu, PBOC neo tỷ giá NDT và để cho NDT giảm giá so với các đồng tiền khác trong giỏ tiền tệ, kể cả euro và yên.
Ngược lại, khi USD tăng giá, PBOC lại để NDT suy yếu so với USD trong khi giữ ổn định so với các đồng tiền khác trong giỏ tiền tệ.
Năm nay, thời gian USD giảm giá dài hơn so với thời gian tăng giá. Kết quả là NDT giảm giá so với rổ tiền tệ nhiều hơn so với đồng USD.
Nhiều người tin rằng NDT cần phải được cho phép giảm giá hơn nữa khi kinh tế Trung Quốc giảm tốc, nhưng PBOC buộc phải kiểm soát đà giảm này sao cho dòng vốn tháo chạy không tăng lên.
Dòng vốn tháo chạy lại có xu hướng tăng tốc trong bối cảnh NDT giảm trong thời gian gần đây sau khi chững lại hồi đầu năm nay. Theo Goldman Sachs, tháng 7 đã có 55 tỷ USD rời khỏi Trung Quốc, so với 49 tỷ USD trong tháng 6.
Thách thức đối với Bắc Kinh giờ đây là làm sao để NDT có dư địa giảm giá trong khi không gây ra tình trạng dòng vốn tháo chạy và bất ổn thị trường.
Các chiến lược gia tại Bank of America Merrill Lynch cho rằng NDT vẫn dễ bị tổn thương trước tình trạng dòng vốn tháo chạy.
Theo các nhà đầu tư, cuộc "sát hạch" thực sự đối với NDT và chính sách tỷ giá của Trung Quốc sẽ thực sự diễn ra khi thị trường bắt đầu tăng dự đoán Fed sẽ nâng lãi suất và USD lấy lại đà tăng.
Các quan chức cấp cao của Trung Quốc đã nhiều lần cam kết giữ NDT ổn định - tuyên bố mà nhiều người cho rằng sẽ lại được nhắc lại vào tháng tới khi các nhà lãnh đạo nhóm G20 nhóm họp tại Hàng Châu, Trung Quốc.
Một quan chức cao cấp Trung Quốc cho rằng, về lý thuyết, hạ giá NDT sẽ mang lại lợi ích cho ngành xuất khẩu, nhưng đó không phải là ý tưởng tốt, một phần vì chính phủ Trung Quốc đã cam kết tái cân bằng nền kinh tế với động lực tăng trưởng đến từ lĩnh vực tiêu dùng và dịch vụ thay vì xuất khẩu như trước kia.
Nhật Trường
Nguồn WSJ