Nhân dân tệ có thể giảm thêm 8% đến cuối năm 2016
Các chiến lược gia tại Barclays dự đoán nhân dân tệ sẽ giảm 8% so với USD trong vòng 2 năm tới, trở thành đồng tiền mất giá mạnh nhất trên thế giới.
Điều này đồng nghĩa rằng thị trường chứng khoán và đồng tiền của các thị trường mới nổi sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn - vốn đã bị tác động tiêu cực khi Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) quyết định phá giá nhân dân tệ hôm 11/8.
Theo viễn cảnh của Barclays, các đồng tiền châu Á sẽ phải áp lực giảm giá lớn nhất, đặc biệt là đôla Đài Loan, won Hàn Quốc và ringgit Malaysia, khi tăng trưởng kinh tế chậm lại khiến nhà đầu tư rút chạy khi không muốn gánh rủi ro trong việc bơm vốn cho các khoản thâm hụt tài khoản vãng lai lớn.
Yên Nhật là một ngoại lệ đáng lưu ý. Các chiến lược gia đã điều chỉnh dự báo về yên Nhật, xuống không đáng kể, do Ngân hàng trung ương Nhật Bản còn rất ít cơ hội để nới lỏng hơn nữa chính sách tiền tệ và việc mức lương tăng nhanh sẽ giúp đẩy tăng lạm phát.
Đồng tiền của các nước xuất khẩu như đôla Úc, đôla New Zealand và rand Nam Phi có thể giảm 7-8% so với USD vào giữa năm 2016.
Nhưng do Trung Quốc giữ vai trò đầu tàu đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu, các chiến lược gia tiền tệ tại Barclays đã điều chỉnh dự báo đồng tiền châu Âu với USD, cho rằng nhân dân tệ suy yếu có thể buộc các nhà hoạch định chính sách tại các ngân hàng trung ương lớn nhất thế giới phải nghĩ lại về việc đưa ra quyết dịnh chính sách trong tương lai.
Nhân dân tệ gần như ổn định trong cả tuần qua, khiến một số chiến lược gia tiền tệ dự đoán rằng các nhà hoạch định chính sách tại Bắc Kinh đang neo tỷ giá mặc dù phải từ bỏ bớt việc kiểm soát giá trị đồng tiền.
Trong cuộc họp báo tuần trước, Phó thống đốc PBOC Yi Gang bác bỏ việc cho rằng ngân hàng trung ương Trung Quốc có ý định phá giá thêm đồng nội tệ và cho biết nhân dân tệ giảm hơn nữa hoàn toàn không phù hợp với giá trị cơ bản của đồng tiền này.
Nhật Trường
Nguồn MW