Thứ Sáu | 18/01/2013 16:49

Nhà tài phiệt JP Morgan từng cứu Mỹ thoát vỡ nợ

Trong lịch sử, nước Mỹ từng đứng trước nguy cơ vỡ nợ thực sự, và khi đó ý tưởng về một đồng xu mệnh giá lớn đã cứu nguy cho nước Mỹ.
Trong thời gian qua, thế giới tài chính thế giới đã xôn xao trước ý tưởng về một đồng xu trị giá 1 nghìn tỷ USD nhằm giúp nước Mỹ thoát cuộc chiến nâng trần nợ. Tuy nhiên, đây không phải lần đầu tiên xuất hiện ý tưởng về một đồng xu mệnh giá lớn có thể giải quyết khó khăn cho nền tài chính Mỹ.

Trong quá khứ, cụ thể là năm 1895, nước Mỹ từng đứng trước nguy cơ sụp đổ do dự trữ vàng cạn kiệt.

Tuy nhiên, bằng kiến thức pháp lý của mình, nhà tài phiệt tài chính nổi danh JP Morgan đã khôn khéo sử dụng lỗ hổng trong hiến pháp để cứu nguy nước Mỹ. Bằng cách vận dụng một sự kiện đã từng diễn ra trong lịch sử Mỹ, đó là việc cho phát hành đồng xu có mệnh giá lớn để chính phủ chi tiêu, JP Morgan cùng các đồng minh trong thế giới tài chính quốc tế đã giúp kho vàng của nước Mỹ đầy trở lại, qua đó thoát nguy cơ vỡ nợ.

Câu chuyện được bắt đầu khi nước Mỹ thâm hụt ngày càng cao vào đầu thập niên 1890. Khi đó, do lo ngại đồng tiền của nước Mỹ sẽ mất giá, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã vội vàng bán tống bán tháo các loại chứng khoán Mỹ hòng vơ vét vàng về nước. Chủ tịch National City Bank (tiền thân của ngân hàng Citi ngày nay), ông James Stillman, khi đó viết: "Có rất ít người biết về số tài sản khổng lồ của nước Mỹ mà những người nước ngoài đang nắm giữ".

Đồng tiên cứu nguy nước Mỹ

Kết quả là, đến cuối năm 1893, dự trữ vàng của Bộ Tài chính Mỹ giảm còn chưa đầy 60 triệu USD.

Vì không có thuế thu nhập trong khi chính phủ cũng không cho quyền phát hành tiền, Bộ Tài chính Mỹ đã phải đi mua hoặc vay mượn vàng để duy trì dự trữ. Vào thời điểm đó, khả năng vay mượn của bộ phu thuộc vào sự tự tin của nhà đầu tư nước ngoài vào đồng USD.

Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất đó là tổng thống Cleveland của Mỹ lúc đó không thể thuyết phục quốc hội cho phát hành trái phiếu mới để bán và đổi lấy vàng. Trong khi đó, tâm lý chống tư tưởng "trọng vàng" - bao gồm cả Bộ trưởng tài chính riêng của tổng thống Cleveland, John Carlisle - tăng lên rất cao. Các bang miền Tây và miền Nam thì thích sử dụng bạc hơn vàng.

Đến tháng 2/1984, Bộ Tài chính Mỹ đã mất hơn 2 triệu USD mỗi ngày, trong khi chính phủ Mỹ đứng trước nguy cơ sụp đổ trong vòng 3 tuần.

Trong bối cảnh gian nguy đó, nổi lên một tên tuổi bị công chúng và các nhà kinh tế Mỹ thù ghét hơn cả tổng thống Cleveland, đó chính là JP Morgan. Bất kỳ ai đề cập đến tên ông đều có thể nhận lấy những cái bĩu môi và ánh mắt đầy khinh thị. Phần lớn người Mỹ khi đó đều tin rằng JP Morgan chính là người phải chịu trách nhiệm chính vì khiến đồng USD suy yếu.

Duy chỉ có Cleveland hiểu JP Morgan là người có thể giải quyết cuộc khủng hoảng, song vì quá sợ sự phản ứng của công chúng, ông đã cố gắng giữ Morgan bên ngoài các cuộc đàm phán khủng hoảng.

Tuy nhiên, mọi thứ ngày càng tồi tệ hơn và tổng thống Cleveland buộc phải liên lạc với nhà tài chính Nathaniel Mayer Rothschild ở Anh. Rothschild ngay lập tức gọi điện cho Walter Hayes Burn, em rể của Morgan và ông này ngay sau đó đã liên lạc với Morgan.

Mặc dù tình thế rất cấp bách, xong Morgan vẫn phải mất khá nhiều thời gian để nhắc vấn đề. Ông cho rằng mình có thể tập hợp một nhóm các ngân hàng quốc tế mua lại các trái phiếu mới phát hành của Mỹ, song khi đó chính phủ Mỹ không còn tý vàng nào cũng như không còn 1 xu dính túi. Cuối cùng, quốc hội Mỹ cũng đồng ý phát hành trái phiếu đổi lấy vàng và nhiều nghị sĩ cho rằng kế hoạch khẩn cấp này chắc hẳn được thúc đẩy bởi các nhà tài phiệt phía Đông.

Vị cứu tinh của kinh tế Mỹ, nhà tài phiệt tài chính JP Morgan.
Vị cứu tinh của kinh tế Mỹ, nhà tài phiệt tài chính JP Morgan.

Các cuộc đàm phán giữa New York và Washington cuối cùng cũng đi đến một giải pháp. Thông tin về gói cứu trợ sắp được tung ra tạm làm yên lòng thị trường.

Tuy nhiên, đến ngày 4/2, thảm họa nổ ra khi Bộ trưởng tài chính Carlisle của bang Kentucky, một người luôn trung thành với bạc, hủy bỏ mọi cuộc đàm phán với lý do các điều khoản của gói cứu trợ quá khắc nghiệt. Ông gọi điện cho Morgan và nói rằng tổng thống sẽ buộc quốc hội phải bán trái phiếu vàng trực tiếp cho công chúng thay vì cho các ngân hàng.

Quá đỗi tức giận, Morgan đã đáp ngay chuyến tàu tới Washington. Khi đó, ông gọi điện cho người em rể của mình ở Anh và nói rằng: "Tình hình rất nguy ngập, vậy mà các chính trị gia lại có vẻ muốn nắm quyền kiểm soát tuyệt đối. Chúng ra phải đấu tranh thật mạnh mẽ vì đồng USD. Nếu chúng ta thua và các thỏa thuận với châu Âu bị bỏ dỡ, thật không biết được hậu quả gì sẽ đến với nước Mỹ. Song phải thừa nhận, tình hình hiện giờ thật vô vọng".

Tối hôm đó, ông đến Union Station để gặp với Bộ trưởng chiến tranh Daniel Lamont, người cho biết tổng thống Cleveland không muốn gặp ông. Sau đó, ông có cuộc gặp với Tổng chưởng lý Richard Olney và nói rằng ông có một kế hoạch, nhưng nếu Cleveland không hứng thú, ông sẽ trở về New York ngay lập tức. Olney cuối cùng đã có thể thuyết phục tổng thống đến gặp Morgan, và hai người đã gặp nhau vào lúc 9h30 sáng ngày hôm sau.

Kết thúc cuộc gặp, Morgan điện cho Burns và cho biết đã có tia hy vọng song vẫn rất nhỏ. Dù đã có đồng minh trong nội các, song Morgan vẫn tỏ ra e dè Bộ trưởng Tài chính.

Ngày hôm sau, Morgan cùng phái đoàn của mình tiến vào Nhà Trắng và được tổng thống Cleveland cho mượn thư viện để làm phòng làm việc. Morgan, cùng các đối tác là Bob Bacon và Frank Steston, bắt đầu các cuộc đàm phán trong bối cảnh thị trường gần như hoảng loạn vì cổ phiếu vàng của Bộ Tài chính liên tục mất giá.

Tại cuộc họp, Morgan khẳng định chính phủ Mỹ thực tế đã rơi vào một vụ vỡ nợ kỹ thuật. Ông tuyên bố rằng khoản bảo đảm 12 triệu USD trong kho vàng của Bộ Tài chính là nói dối, và thực tế bộ chỉ còn 9 triệu USD.

Tuy nhiên, ông cũng tìm thấy 1 lỗ hổng trong hiến pháp Mỹ. Đó là 30 năm trước đó, trong cuộc nội chiến, quốc hội từng ủy quyền cho Bộ trưởng tài chính Salmon P. Chase tự ý phát hành trái phiếu để đổi lấy 1 đồng xu có mệnh giá bằng giá trị số trái phiếu đó. Do đó, nếu gói cứu trợ vàng mà Morgan đề nghị có thể chuyển thành gói cứu trợ bằng 1 đồng xu tương tự, thì nó không cần phải đợi sự phê chuẩn của quốc hội. Stetson ngay lập tức cho kiểm chứng điều này, và nhận thấy đồng xu trong quá khứ đó vẫn còn giá trị cho đến ngày nay.

Tổng lý trưởng Olney cũng tham gia kiểm chứng và xác nhận điều đó là hoàn toàn có thể thực hiện. Mặc dù vậy, tổng thống Cleveland cũng yêu cầu những người tham gia cuộc họp giữ kín ý tưởng này với quốc hội. Bởi quốc hội chắc chắn sẽ phủ quyết cách phát hành trái phiếu này của Morgan, sau đó sẽ tìm cách đổi hiến pháp để bịt lỗ hổng.

Bên cạnh đó, Cleveland cũng yêu cầu thêm một đảm bảo, đó là nhóm cứu trợ quốc tế sẽ giữ vàng trên nước Mỹ chứ không đem về nước, và Morgan đã đồng ý. Yêu cầu này nhằm mục tiêu giúp Mỹ kiểm soát thị trường vàng quốc tế cũng như ngoại hối trong khoảng thời gian thỏa thuận cứu trợ còn hiệu lực.

Cuối cùng, cuộc đàm phán đạt được kết quả, chính phủ Mỹ đồng ý sẽ mua đồng xu vàng có mệnh giá tương đương 3,5 triệu ounce vàng từ nhóm cứu trợ, với giá 17,80 USD/ounce, còn các chủ nợ sẽ nhận về 62,3 triệu USD trái phiếu kỳ hạn 30 năm, lãi suất 4%. Giá vàng thời điểm đó thực tế là 18,6 USD/ounce, do đó đáng lý giá trị số trái phiếu mà chính phủ Mỹ phải trả là 65,1 triệu USD, chứ không phải 62,3 triệu USD. Chính phủ Mỹ sẽ trả trước 3 triệu USD. Bên cứu trợ sẽ có 6 tháng để hoàn thành hợp đồng. Sau 4 giờ 30 phút, Morgan cuối cùng cũng đạt được thỏa thuận cứu trợ Mỹ

12 ngày sau, số trái phiếu đã nhanh chóng được phát hành và bán hết trong vòng 20 phút và nước Mỹ thoát nguy cơ sụp đổ.

Nhà tài phiệt J.P Morgan (1837-1913) là người đã thôn tính nhiều công ty Mỹ và thế giới, để lại một di sản khổng lồ là Tập đoàn JP Morgan nổi tiếng thế giới hiện nay. Trong các cuốn sách về ngân hàng thường có câu cửa miệng của giới chủ doanh nghiệp Mỹ: “Thượng đế đã tạo ra muôn loài, nhưng chính JP Morgan mới là người tiến hành tổ chức, xắp sếp lại thế giới”.Từ Ngân hàng đầu tư nhỏ bé năm 1799 ở phố Manhatthan, New York, JP Morgan đã biết lợi dụng vai trò, chức năng của ngân hàng đầu tư, biết lợi dụng thời cơ, tập hợp lực lượng, huy động vốn toàn nước Mỹ để tiến hành thôn tính các công ty khác. JP Morgan đã trở thành tập đoàn lớn hàng đầu ở Mỹ và thế giới, không những trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng mà bao gồm nhiều lĩnh vực khác. Bản thân JP Morgan cũng đã trở thành nhân vật có ảnh hưởng nhất nước Mỹ và trên thế giới.

Nguồn Business Insider/Khampha


Sự kiện