Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đang nghĩ gì?
Gần 16 tháng kể từ khi lên nắm quyền sau cái chết của người cha, nhà lãnh đạo 30 tuổi của Bình Nhưỡng dường như đang làm cả thế giới chao đảo.
Bắt đầu bằng một loạt động thái như phóng tên lửa vệ tinh, thử hạt nhân lần 3, cho đến đơn phương phá bỏ hiệp ước đình chiến với Hàn Quốc và đe dọa tấn công tên lửa cả nước Mỹ, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã đẩy bán đảo tới sát bờ vực chiến tranh và buộc chính quyền Washington phải lên tiếng can thiệp.
Nhận định về một loạt những động thái này của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, chính quyền Washington thừa nhận đây chỉ là sự lặp lại của một kịch bản đã lập trình sẵn từ thời Kim Jong-il và Kim Nhật Thành.
"Cha và ông nội của nhà lãnh đạo Kim Jong-un cũng luôn luôn có những hành động khiêu khích như vậy và dường như không có cách nào để thoát khỏi vòng tuần hoàn đó", Đô đốc Samuel Locklear - tư lệnh quân đội Mỹ ở Thái Bình Dương - nhận xét. "Tôi không chắc liệu nhà lãnh đạo Kim có bao giờ nghĩ tới việc chấm dứt vòng tuần hoàn đó hay không. Song với một kịch bản đã được lập sẵn, dứt khỏi nó là điều tương đối khó", ông Locklear nói.
Nhiều chuyên gia thậm chí còn nói ẩn dụ rằng việc nghiên cứu và thấu hiểu suy nghĩ của các nhà lãnh đạo Triều Tiên là cả một nghệ thuật chứ không đơn thuần là một bộ môn khoa học.
Mặc dù thừa nhận nhà lãnh đạo Kim Jong-un thực sự rất bí ẩn, song đa số các chuyên gia nghiên cứu về Triều Tiên đều chung một nhận định những động thái và lời lẽ quyết liệt của Bình Nhưỡng trong thời gian qua chỉ là những tiếng kêu nhằm che dấu sự thật rằng Triều Tiên đang gặp khó khăn, chứ không phải là những tuyên bố mang tính khích động chiến tranh.
Bằng cách tuyên bố chiến tranh với Hàn Quốc, nhà lãnh đạo Kim Jong-un dường như đang muốn nhen nhóm lại ý chí của người ông Kim Nhật Thành, người luôn mong muốn thống nhất bán đảo Triều Tiên. Bên cạnh đó, theo các chuyên gia phân tích, việc trở thành nhà lãnh đạo của Triều Tiên khi tuổi đời còn quá trẻ thực sự là một trọng trách quá lớn với ông Kim Jong-un, đặc biệt khi trong đất nước vẫn còn có rất nhiều người thuộc tầng lớp ưu tú có thể đảm đương trọng trách mà ông đang nắm giữ.
Nói cách khác, những lời lẽ mạnh bạo và hành động quyết liệt chỉ là cách ông Kim Jong-un chứng minh với người dân trong nước và cộng đồng quốc tế ông là người đủ năng lực kế thừa ý chí mà cha và ông nội để lại, cũng như đó là cách ông củng cố và nâng cao sức mạnh quyền lực của mình. Cách lý giải này đã nhận được khá nhiều sự đồng tình của các chuyên gia nghiên cứu về Triều Tiên.
Chuyên gia về Triều Tiên tại Viện Phân tích quốc phòng ở Alexandria, ông Kongdan Oh Hassig, nhận định: "Với ông Kim, đó là một gánh nặng. Ông Kim chỉ đang cố chứng minh ông là người có đủ tầm nhìn chiến lược, ông có sự ủng hộ của quân đội đằng sau và không có ai chống lại ông".
Có thể nói, mặc dù là người con thứ 3 của cố lãnh đạo Kim Jong-il, cũng như có xuất thân khá bí ẩn so với 2 người anh của mình, song bằng những hành động trong thời gian qua, hình ảnh của vị đại tướng Kim Jong-un được khắc sâu vào tâm trí người dân Triều Tiên hơn bao giờ hết. Chẳng những thế, cộng đồng quốc tế cũng phải dõi theo mọi động thái và tuyên bố của ông và thừa nhận ông chính là nhà lãnh đạo cao nhất của Triều Tiên.
Kim Jong-un xuất thân như thế nào và vì sao ông lại được lựa chọn?
Theo cuốn hồi ký của cựu đầu bếp sushi từng phục vụ cho gia đình Kim, từ nhỏ nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã bộc lộ tính cách mạnh mẽ và cầu tiến. Người cha Kim Jong-il cũng rất mực yêu quý người con trai cá tính này và có thể nhìn thấy ở ông quyết tâm sắt đá giữ vững quyền lực của gia đình mình.
Năm 1998, ông Kim Jong-un bí mật đổi tên họ và giả làm con trai của một nhà ngoại giao Triều Tiên, trước khi ghi danh theo học ở một trường tư ở Thụy Sĩ. Ông theo học ở đây 2 năm, trước khi bí mật rời khỏi trường.
Kế hoạch đưa Kim Jong-un lên vị trí cao nhất Triều Tiên đã được người cha Kim Jong-il chuẩn bị chu đáo từ năm 1994. Sau lần đột quỵ năm 2008, cố chủ tịch Kim đã tìm cách đẩy nhanh quá trình chuyển giao quyền lực và Kim Jong-un chính là cái tên đứng đầu trong danh sách những người có thể kế thừa ý chí của gia đình Kim.
Giám đốc viện nghiên cứu châu Á tại Đại học Georgetown đồng thời là cựu quan chức cấp cao thuộc Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ, ông Victor Cha, nhận xét: "Có lẽ khi quyết định lựa chọn người con nhỏ tuổi nhất trong số 3 người con trai, chủ tịch Kim Jong-il đã nhìn thấy những phẩm chất mà ông không có ở Kim Jong-un, đó là một cá tính cởi mở".
Theo các nhà phân tích, ông Kim Jong-un là nhà lãnh đạo cởi mở hơn so với cha và ông nội mình. Điều này thể hiện rõ qua việc công khai đưa vợ, đệ nhất phu nhân Ri Sol-ju, tới các buổi lễ công cộng và luôn đưa bà tới tham dự những ngày lễ lớn được phát sóng trên truyền hình. |
Nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu chiến lược CNA, ông Ken E. Gause, cũng chung nhận định trên và cho rằng chủ tịch Kim Jong-il chắc chắn lựa chọn Kim Jong-un vì lý do nhà lãnh đạo trẻ có nhiều phẩm chất vượt trội. "Kim Jong-un đã sớm bộc lộ phẩm chất lãnh đạo và mạnh bạo hơn so với vác anh trai của mình. Phẩm chất lãnh đạo cùng sự mạnh bạo là yếu tố vô cùng cần thiết ở người đứng đầu Triều Tiên", ông Gause nói.
Sau 2 thập kỷ thuyết phục Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân của mình, sự xuất hiện của Kim Jong-un khiến người Mỹ vô cùng lạc quan về nhà lãnh đạo trẻ. Thậm chí Washington cho rằng thời gian sống ở nước ngoài sẽ giúp nhà lãnh đạo có cảm tình hơn với phương Tây.
Hy vọng càng tăng cao khi ngay sau lễ tang người cha hôm 28/12/2011, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã đánh tiếng báo hiệu sẵn sàng đàm phán với Mỹ. Tuy nhiên, động thái này đã khiến Washington lầm tưởng nặng nề. Các nhà quan sát Triều Tiên cho rằng quyết định này của chính quyền Triều Tiên chỉ là bước đệm giúp quá trình chuyển giao quyền lực của ông Kim Jong-un được diễn ra một cách trôi chảy.
Kế đó, với sự ủng hộ của nhiều quan chức khác, cùng một loạt động thái củng cố quyền lực như phóng tên lửa vệ tinh, ông Kim Jong-un dần dần tiếp quản mọi vị trí quan trọng trong lực lượng vũ trang và đảng cầm quyền. Có thể nói, quá trình thâu tóm quyền lực của ông Kim Jong-un diễn ra nhanh hơn nhiều so với người cha của mình.
Nhà lãnh đạo trẻ cũng nhanh chóng trở thành biểu tượng mới ở Triều Tiên. Ông liên tục xuất hiện trên truyền hình với mật độ dày đặc. Ông cũng trở thành trung tâm trọng mọi kênh truyền hình, được phát sóng trong nước lẫn quốc tế.
Cựu thống đốc bang New Mexico, ông Bill Richardson, trong lần tiếp xúc với nhà lãnh đạo Triều Tiên nhận xét: "Kim Jong-un là nhà lãnh đạo cởi mở hơn so với cha mình. Ông phát biểu tốt hơn, giao tiếp tụ nhiên thoải mái hơn với người dân", ông Richardson nói. Thậm chí, không giống người cha của mình, ông Kim Jong-un còn công khai đưa vợ, đệ nhất phu nhân Ri Sol-ju, tới các buổi lễ công cộng và luôn đưa bà tới tham dự những ngày lễ lớn được phát sóng trên truyền hình.
Nhận định về những động thái có phần quyết liệt của ông Kim Jong-un thời gian gần đây, ông Richardson cho rằng về bản chất nhà lãnh đạo trẻ Triều Tiên không phải là người hiếu chiến đến như vậy. "Đơn giản ông ấy muốn có được sự chấp thuận của quân đội Triều Tiên. Ông ấy chỉ cố thuyết phục họ rằng ông đã sẵn sàng điều hành đất nước. Có thể một số người đã tỏ ý nghi ngờ năng lực do ông còn quá trẻ, chưa kể ông chưa bao giờ phục vụ trong quân đội. Do đó, thuyết phục để họ chấp nhận không phải là điều đơn giản", ông Richardson nhận xét.
Lên gân để lấy lòng quân đội?
Theo các chuyên gia, nếu các tướng lĩnh quân đội tỏ ra không hài lòng với người đứng đầu, nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ cho họ nhiều lý do hơn để tuân phục thay vì để ý tới tuổi đời non trẻ của mình. Tháng 4 năm ngoái, ông Kim Jong-un khiến các nhà quan sát phải ngạc nhiên khi thừa nhận phóng tên lửa vệ tinh thất bại. Đây quả thực là điều chưa từng có trong tiền lệ Triều Tiên, các nhà phân tích nhận đỉnh.
Cuối tháng đó, ông Kim Jong-un đã có bài phát biểu tuyên bố thực hiện cải cách nông nghiệp, đồng thời giảm bớt vị thế của quân đội và chuyển một số bộ phận quân sự sang hướng chuyên tâm phát triển kinh tế.
"Đây thực sự là một đòn giáng mạnh vào các tướng lĩnh quân đội Triều Tiên", các nhà nghiên
Mặc dù phải lên gân để lấy lòng các tướng lĩnh quân đội. Tuy nhiên, trong thâm tâm, ông Kim Jong-un không hề muốn xảy ra chiến tranh. |
Đỉnh điểm là tháng 7/2012, ông Kim Jong-un tuyên bố cách chức nguyên soái Ri Yong Ho, một trong những tướng lĩnh quân sự rất có ảnh hưởng ở Triều Tiên. Động thái này có thể xem như một cuộc thanh lọc lớn của ông Kim Jong-un nhằm giữ lại những người trung thành với gia đình Kim.
Tuy nhiên, sau những quyết định có phần ảnh hưởng tới quân đội, những việc làm gần đây được xem là cách nhanh nhất giúp ông Kim Jong-un lấy lại được hình ảnh trong mắt các tướng lĩnh quân sự. Ngoài ra, cách "lên gân" như vậy cũng là một biện pháp để gia tăng áp lực với Mỹ và Hàn Quốc, buộc Washington và Seoul phải ngồi vào bàn đàm phán với những điều kiện có lợi cho Bình Nhưỡng.
"Kim Jong-un đang nỗ lực để có được một vị trí tốt hơn trong đàm phán với Mỹ và Hàn Quốc", nhà nghiên cứu tại Viện thống nhất quốc gia Hàn Quốc, ông Park Hyeong-jung, nhận xét. "Triều Tiên phải giành chiến thắng bằng mọi giá, điều đó khiến họ không lùi bước trước dư luận", ông Park nói.
Nhà phân tích quốc phòng Mỹ, ông Hassig, thì cho rằng nhà lãnh đạo trẻ đang chơi một canh bạc nguy hiểm. Nhưng với một nhà lãnh đạo tuổi đời còn quá trẻ và thiếu kinh nghiệm cũng như sự chuẩn bị chu đáo, đây có thể coi là lựa chọn tối ưu nhất.
Trong khi đó, nhận định về con người thực sự của Kim Jong-un, cựu ngôi sao bóng rổ Dennis Rodman, người có cơ hội du lịch đến Bình Nhưỡng và gặp gỡ nhà lãnh đạo Triều Tiên, cho biết: "Ông ấy muốn tổng thống Obama làm một việc duy nhất: Gọi điện cho ông ấy. Ông ấy tâm sự dù thế nào đi chăng nữa, ông ấy cũng không muốn có chiến tranh và không muốn phải phát động chiến tranh".
Nguồn Washington Post/Dân Việt
người kế thừa phẩm chất lãnh đạo của cha ông.