Giá đất trong bán kính 50 mét quanh những ngôi nhà bị bỏ hoang thường có xu hướng giảm. Ảnh: Nikkei Asia.
Nhà hoang Nhật Bản làm giảm giá trị bất động sản
Những ngôi nhà bị bỏ hoang từ lâu tại Nhật Bản đang gây ra những tác động không nhỏ đến giá trị của các bất động sản xung quanh, với mức tổn thất lên tới 3,9 nghìn tỉ yên (24,7 tỉ USD) trong vòng 5 năm qua, theo tính toán mới nhất. Con số này là minh chứng rõ ràng cho tác động của vấn đề, khi giá cả giảm mạnh và số lượng bất động sản không thể bán ra ngày càng tăng.
Dữ liệu được tổng hợp bởi Hiệp hội Akiya Nhật Bản, gồm 15 tổ chức bao gồm các công ty và viện nghiên cứu nhằm giải quyết vấn đề nhà bỏ hoang, được gọi là "akiya" trong tiếng Nhật. Những số liệu này dựa trên thống kê của chính phủ năm 2023 và nghiên cứu từ Trung tâm Đổi mới Bất động sản tại Đại học Tokyo.
Số lượng ngôi nhà bỏ hoang, không được bán hoặc cho thuê nhưng đã bị bỏ trống trong thời gian dài, đã tăng lên khoảng 360.000 căn từ năm 2018 đến năm 2023, đạt tổng cộng khoảng 3,85 triệu căn. Trong số này, hơn 70% là nhà riêng lẻ.
Nghiên cứu từ hiệp hội cho thấy giá đất trong bán kính 50 mét quanh những ngôi nhà bị bỏ hoang thường có xu hướng giảm. Nguyên nhân có thể là do sự giảm sút số lượng người muốn chuyển đến do lo ngại về cỏ dại mọc quá mức, sâu bọ và an ninh công cộng.
Ước tính khoảng 80% các ngôi nhà riêng lẻ bị bỏ hoang trong 5 năm qua đã gây ra tổn thất giá trị lên đến 3,9 nghìn tỉ yên cho các bất động sản xung quanh. Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản cho biết giá đất đã tăng trong ba năm liên tiếp cho đến năm 2024, tuy nhiên những ngôi nhà bỏ hoang có thể đã làm chậm tốc độ tăng giá này.
“Ước tính của chúng tôi chỉ giới hạn trong tác động của các ngôi nhà riêng lẻ bị bỏ hoang lên giá đất. Tác động tiêu cực có thể còn lớn hơn nhiều”, ông Teppei Kawaguchi, CEO của Crassone, một công ty dịch vụ xây dựng và phá dỡ hàng đầu trong hiệp hội, cho biết.
Trong trường hợp các căn hộ bị bỏ hoang, không được tính trong ước tính này, sự vắng mặt của chủ sở hữu có thể dẫn đến việc thanh toán phí quản lý và sửa chữa bị chậm trễ, từ đó làm giảm giá trị tài sản của cả tòa nhà. Đại diện công ty nghiên cứu bất động sản Tokyo Kantei cho biết đã xuất hiện mối lo ngại rằng tổn thất sẽ tăng lên gấp bội trong tương lai.
Ở những khu vực có nhiều nhà bỏ hoang, nhất là nơi có nhiều người cao tuổi sống một mình, khả năng các ngôi nhà của họ sẽ bị bỏ hoang trong tương lai cũng tăng lên. Theo đại diện Tokyo Kantei, những ngôi nhà sẽ bị bỏ hoang sau khi chủ sở hữu qua đời nếu không có ai thừa kế, và từ đó tổn thất giá đất có thể sẽ tiếp tục tăng lên.
Mặc dù dân số Nhật Bản đang giảm đi, số lượng hộ gia đình vẫn tiếp tục tăng lên do có nhiều người sống một mình, và dự kiến sẽ đạt đỉnh vào năm 2030, theo ước tính từ Viện Nghiên cứu Dân số và An sinh Xã hội Quốc gia. Tuy nhiên, tổng nhu cầu về nhà ở sẽ bắt đầu giảm mạnh sau đó, điều này có thể đẩy nhanh số lượng tăng lên của nhà bỏ hoang. Chính phủ Nhật Bản đã có các biện pháp pháp lý để giải quyết vấn đề, như bắt buộc đăng ký thừa kế.
Có thể bạn quan tâm:
Nền kinh tế Đức đối mặt khủng hoảng dân số
Nguồn Nikkei Asia