Nhà đầu tư Trung Quốc săn "hàng hiệu" quốc tế
Chỉ trong vòng 5 năm trở lại đây, Trung Quốc đã lần lượt thâu tóm hàng loạt thương hiệu nổi tiếng trên thế giới. “Trung Quốc đang chuyển sang chiến lược mua trọn các doanh nghiệp nước ngoài đã xây dựng thương hiệu thành công”, ông Sergei Markov, nhà phân tích chính trị Nga, nhận định.
Hồi tháng 10 vừa qua quỹ đầu tư Godin Holdings của Trung Quốc đã nuốt trọn Vertu với giá trị thương vụ không được công bố. Vertu là thương hiệu điện thoại xa xỉ với 450.000 chiếc được tiêu thụ trên khắp thế giới từ năm 2002 đến nay với mức giá trung bình từ 5.000 USD/chiếc. Chiếc đắt nhất Vertu từng bán ra có giá lên đến hơn 250.000 USD.
Vertu chỉ là một trong những thương hiệu xa xỉ mà doanh nghiệp Trung Quốc mua lại. Năm 2010, Geely đã chấp nhận trả 1,8 tỉ USD để thâu tóm nhãn xe hạng sang Volvo từ Ford. Sang năm 2013, MG Rover của Anh và nhãn hiệu xe Saab của Thụy Điển cũng đã thuộc về Trung Quốc.
Ngay cả hãng đồng hồ Thụy Sĩ Corum cũng bị China Haidian thâu tóm vào năm 2013. Corum được giới chuộng hàng xa xỉ tin dùng từ năm 1955 và có hơn 600 cửa hàng bán lẻ trên khắp thế giới với giá bán từ vài ngàn cho đến hàng triệu euro mỗi chiếc.
Tháng 4 năm ngoái, các tín đồ thời trang thế giới xôn xao khi Krizia, một thương hiệu thời trang nổi tiếng của Ý với lịch sử 60 năm, đã bị Tập đoàn Shenzhen Marisfrolq mua lại.
Trong lĩnh vực y tế, Trung Quốc cũng góp mặt khi Fosun Pharma mua 100% vốn tại Alma Lasers, một hãng chuyên sản xuất thiết bị y tế hàng đầu của Israel. Dù phải bỏ ra 240 triệu USD nhưng Fosun Pharma sẽ có cơ hội tiếp cận các công nghệ sản xuất thiết bị laser, quang học và siêu âm y tế, đặc biệt là nắm giữ 15% thị phần thế giới về các thiết bị thẩm mỹ cao cấp.
Không dừng lại ở đó, các nhà đầu tư Trung Quốc cũng tham gia vào lĩnh vực giải trí khi thâu tóm hãng AMC Entertainment Holdings với giá hơn 2,6 tỉ USD. Tất cả 346 cụm rạp chiếu với hơn 5.000 màn hình ở Mỹ đã thuộc về Tập đoàn Dalian Wanda Group. Thương vụ này mở màn cho một cuộc chinh chiến mới trong lĩnh vực giải trí của Trung Quốc, khi Dalian Wanda muốn thâu tóm luôn 2 chuỗi phim chiếu rạp của Odeon & UCI Cinemas Holdings và Vue Entertainment ở châu Âu.
Những nhà đầu tư Trung Quốc sau khi mua lại các thương hiệu thường vẫn tiếp tục giữ lại xuất xứ. Cụ thể, thương hiệu smartphone Wiko, với 95% cổ phần của Tinno Mobile Technolog có trụ sở ở Thâm Quyến, nhưng vẫn được chào bán với xuất xứ từ Pháp. Dù chỉ có 65 nhân viên và 4 kỹ sư tại Pháp, nhưng năm 2011, Wiko đã bán ra thế giới 14 triệu chiếc smartphone, đạt doanh thu 320 triệu USD.
“Đây là một xu hướng đang phát triển mạnh trong cộng đồng các doanh nghiệp Trung Quốc nhằm từng bước chiếm lĩnh thị trường thế giới. Với nguồn tài chính ngày càng mạnh mẽ, sự bành trướng của Trung Quốc trên thị trường các thương hiệu nổi tiếng toàn cầu sẽ còn tiếp tục trong một thời gian dài nữa”, ông Markov nhận định.
Nghĩa Trần
Nguồn Tổng hợp