Nhà đầu tư tháo chạy khỏi thị trường chứng khoán BRIC
“Niềm tin của các nhà đầu tư nhỏ đã chạm đáy. Họ không còn niềm tin vào thị trường chứng khoán nữa”, Vora nói.
Vora chỉ là một trong rất nhiều nhà đầu tư đang tìm cách tháo chạy khỏi các thị trường mới nổi thuộc nhóm BRIC khi tốc độ tăng trưởng kinh tế ở đây chậm lại, lợi nhuận doanh nghiệp sụt giảm cùng với sự can thiệp ngày càng tăng của chính phủ đang khiến giá cổ phiếu giảm mạnh so với thị trường thế giới năm thứ tư liên tiếp. Có thể thấy, mặc dù chỉ số Dow Jones của Mỹ đang đạt mức cao kỷ lục nhưng chỉ số MSCI BRIC Index vẫn thấp hơn tới 37% so với mức đỉnh của năm 2007.
Các nhà đầu tư đang mất hứng thú đối với cổ phiếu tại các nước BRIC. Giao dịch của các nhà đầu tư cá nhân Brazil đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1999 khi chỉ số chứng khoán Bovespa của nước này giảm 7% tính từ đầu năm đến nay.
Các quỹ tương hỗ của Nga cũng đã có 16 tháng liên tiếp rút vốn khỏi thị trường, thời gian dài nhất kể từ năm 1996, theo National League of Management Companies, một tổ chức thương mại ở Moscow. Lượng tiền rút khỏi thị trường Ấn Độ cũng lớn nhất trong hơn 2 năm qua. Còn các nhà đầu tư Trung Quốc đã bỏ không hơn 2 triệu tài khoản chứng khoán trong suốt 12 tháng qua.
Công ty quản lý tài sản Marketfield Asset Management cho rằng cổ phiếu tại Brazil, Ấn Độ và Trung Quốc sẽ còn giảm nữa.
Nỗi thất vọng của nhà đầu tư là điều dễ hiểu khi có hơn 59% công ty thuộc MSCI BRIC Index cho biết lợi nhuận hằng quý đã không đạt mức kỳ vọng của giới phân tích.
Theo Bloomberg, lợi nhuận của các doanh nghiệp này chỉ tăng chưa tới 1%. “Rất khó để tìm được cổ phiếu đáng để mua”, John-Paul Smith, chiến lược gia về thị trường mới nổi tại Deutsche Bank ở London, nhận xét.
Tại Ấn Độ, các quỹ tương hỗ cổ phiếu đã rút vốn khỏi thị trường, lỗ khoảng 2,5 tỷ USD trong 9 tháng liên tiếp (tính đến hết tháng 2/2013).
“Việc chỉ số S&P BSE Small-Cap Index giảm 16% từ đầu năm đến nay là một dấu hiệu khác cho thấy nhà đầu tư trong nước đang bán tháo, trong khi khối ngoại chuyển hướng đầu tư vào các công ty lớn nhất Ấn Độ”, Shaoul của Marketfield nhận xét.
Mặc dù các nhà quản lý quỹ nước ngoài đã rót 9,4 tỷ USD vào cổ phiếu các công ty Ấn Độ trong năm nay (do kỳ vọng nỗ lực mở cửa nền kinh tế của thủ tướng Manmohan Singh sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng), nhưng Vora, nhà đầu tư ở Mumbai, cho biết, ông đã mất niềm tin vào các chính sách. “Mọi người chỉ mong lấy lại được tiền và rút khỏi thị trường”, ông nói.
GDP của Ấn Độ đã tăng trưởng 4,5% trong 3 tháng kết thúc vào tháng 12/2012, mức thấp nhất trong gần 4 năm qua. Hồi đầu tháng 2, cơ quan thống kê của nước này cũng dự báo mức tăng trưởng cả năm chỉ 5%, mức thấp nhất trong 1 thập kỷ trở lại đây.
Trong khi đó, tại Nga, các quỹ hỗ tương đã rút khỏi thị trường tổng cộng 418 triệu USD trong suốt 16 tháng qua, theo National League of Management Companies.
Theo Dmitry Sukhov, đang điều hành một công ty tư vấn đầu tư tại Moscow, sự can thiệp của chính phủ vào các công ty niêm yết là lý do khiến nhà đầu tư trong nước e dè.
Cổ phiếu của OAO MRSK Holding, một nhà phân phối điện tại Moscow, đã giảm 46% trong suốt 12 tháng qua khi Tổng thống Vladimir Putin hoãn tăng thuế để kiềm hãm đà tăng lạm phát, đồng thời ký quyết định sáp nhập OAO MRSK Holding với công ty nhà nước Federal Grid Co., thay vì bán cổ phần cho nhà đầu tư cá nhân.
“Nền kinh tế Nga đang trở nên ít thân thiện với thị trường. Nhà đầu tư kỳ vọng vào quá trình tự do hóa ở nhiều lĩnh vực kinh tế khác nhau, nhưng thay vào đó họ đang chứng kiến xu hướng ngược lại. Điều đó thật đáng thất vọng”, Sukhov nói. Ông cũng cho biết mình đã ngừng mua vào cổ phiếu các công ty Nga cách đây khoảng 18 tháng và rót vốn vào cổ phiếu của các doanh nghiệp niêm yết tại Hồng Kông, London và New York.
Chỉ số Shanghai Composite Index của Trung Quốc cũng đã giảm 31% kể từ cuối năm 2009, mức giảm mạnh nhất trong số các chỉ số chứng khoán ở BRIC. Hơn 60% công ty thuộc chỉ số Shanghai Index đã báo cáo lợi nhuận hằng năm không đạt kỳ vọng, so với 42% của chỉ số MSCI All-Country, theo Bloomberg.
Đầu tháng 3, trong báo cáo cuối cùng gửi lên Quốc hội trước khi chuyển giao quyền lực cho nguời kế nhiệm là ông Lý Khắc Cường, nguyên Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo cũng từng nói nền kinh tế đang thiếu một mô hình tăng trưởng bền vững khi ông đặt ra mục tiêu tăng trưởng chỉ 7,5% trong năm 2013, không thay đổi so với năm 2012.
Hồi tháng 12/2012, Vivian Zhang, một nhà đầu tư trên sàn chứng khoán Thượng Hải, đã rút 260.000 nhân dân tệ (41.828 USD) ra khỏi thị trường và bỏ số tiền này vào một quỹ chuyên đầu tư các hàng hóa cơ bản. “Tôi vẫn rất dè chừng đối với cổ phiếu. Triển vọng tăng trưởng kinh tế vẫn chưa thực sự sáng sủa”, Zhang nói.
Nguồn NCĐT