Nhà đầu tư nên cẩn trọng điều gì khi xem xét thị trường Myanmar?
Sàn giao dịch chứng khoán Yangon (SXY) tại Myanmar cuối cùng cũng đã được chính thức mở cửa vào ngày 9/12 vừa qua. Sự kiện này là một cột mốc quan trọng, ghi nhận sự thay đổi chóng mặt của nền kinh tế Myanmar: từ một quốc gia khép kín và gần như nói không với các dòng vốn đầu tư nước ngoài thì giờ đây các dòng vốn FDI chảy vào Myanmar đã đạt mức cao kỷ lục là 8 tỷ USD trong năm tài chính 2014-2015.
Cuộc tổng tuyển cử của Myanmar vào ngày 8-11 vừa qua đã kết thúc với kết quả chiến thắng thuộc về Đảng đối lập Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Aung San Suu Kyi.
Trước thông tin này, nhiều cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán bật tăng mạnh. Giá cổ phiếu công ty Yoma Strategic Holdings trên sàn Singapore (SGX), cũng như cổ phiếu của công ty đầu tư quốc tế Myanmar (MII) trên sàn thị trường thay thế (AIM) tại London đều tăng hơn 15%. Như vậy, sự lạc quan về triển vọng kinh tế của Myanmar là rất lớn, mặc dù các cơ hội đầu tư vẫn còn chưa nhiều.
Được biết, Công ty bất động sản Yoma Strategic Holdings là một chi nhánh của tập đoàn SPA của doanh nhân U Serge Pun. Vào tháng 8 năm 2006, Yoma Strategic Holdings là công ty Myanmar đầu tiên niêm yết trên sàn SGX.
Còn công ty MII được thành lập bởi U Aung Htun, một doanh nhân người Anh gốc Myanmar. Vài năm trước, ông bắt đầu chú ý đến thị trường Myanmar và lập ra công ty niêm yết trên sàn AIM vào tháng 6 năm 2013.
"Điểm khác biệt của MII nằm ở chỗ chúng tôi là nhà đầu tư dài hạn", ông Htun chia sẻ. "Là một công ty niêm yết tại London, chúng tôi có thể kiên nhẫn chờ đợi thời cơ, và xem xét kỹ các cơ hội".
Giám đốc của hãng Telenor tại Myanmar là ông Petter Furberg cũng bày tỏ hy vọng rằng việc nước này mở cửa thị trường chứng khoán sẽ là bước khởi đầu cho việc phát triển một thị trường nợ, mang lại nhiều thuận lợi cho các công ty đa quốc gia. Ngoài ra, ông cũng cho biết thêm việc mở cửa của Myanmar có thể giúp chặn lại nạn chảy máu chất xám như hiện nay.
Tuy nhiên, bên cạnh những niềm tin lạc quan của một bộ phận không nhỏ nhà đầu tư, thì cũng có khá nhiều người đang thận trọng hơn với thị trường mới mẻ này. Sàn giao dịch chứng khoán Yangon (SXY) sẽ còn phải mất một thời gian tương đối dài để trở thành một thị trường minh bạch và hiệu quả hơn, nhất là khi Myanmar vẫn chưa có luật nào về chính sách công bố thông tin của doanh nghiệp, quyền lợi cổ đông hay các cuộc họp thường niên.
Ngoài ra, theo như luật doanh nghiệp Myanmar, các công ty có vốn nước ngoài đều không được phép niêm yết trên SXY. Trong năm tới, định nghĩa mới về doanh nghiệp nước ngoài sẽ được được trình lên quốc hội để thảo luận. Theo dự luật này, công ty nước ngoài sẽ là công ty có nhà đầu tư ngoại nắm giữ trên 35% cổ phần.
Ông Eugene Davis, giám đốc của công ty Finansa PLC tại Thái Lan cho biết "chúng tôi muốn chờ đợi thêm trước khi đầu tư". Được biết, ông Davis là một trong những người đầu tiên đầu tư vào Việt Nam những năm 1990. Nên khi đề cập đến mối tương quan giữa thị thường Việt Nam thời kỳ đầu và thị trường Myanmar, ông nhận xét: "Sau khi chứng kiến những gì đã xảy ra tại Việt Nam, tôi thấy rằng tốt hơn hết là hãy chờ đợi qua giai đoạn tranh tối tranh sáng ban đầu rồi tiến vào sau khi mọi thứ trở nên hợp lý hơn."
Ông Max von Etzdorf, trợ lý giám đốc của quỹ đầu tư Golden Rock Capital, nhận định thêm: "Cần rất nhiều thời gian để hoàn tất một thương vụ đầu tư tại đây, và tôi nghĩ rằng trở ngại lớn nhất là tìm được một đối tác Myanmar sẵn sàng cho việc nhận vốn từ nước ngoài". Hiện tại, Golden Rock đang đầu tư vào một công ty mỹ phẩm mang tên MPCC, cùng với một đối tác khác đến từ Thái Lan.
Cũng có một vài ý kiến bày tỏ lo ngại rằng sàn giao dịch chứng khoán Yangon có thể sẽ bước vào vết xe đổ của một vài thị trường chứng khoán khác trong khu vực. Điển hình là trường hợp sàn giao dịch chứng khoán của Campuchia (CSX) và sàn giao dịch chứng khoán Lào (LSX) chỉ mới có lần lượt 2 và 4 công ty niêm yết.
Tuy nhiên, thứ trưởng Bộ Tài Chính của Myanmar là ông Maung Maung Thein khẳng định điều này sẽ không xảy ra. Ngoài ra, ông cũng dự báo rằng sàn giao dịch chứng khoán Yangon sẽ có bước phát triển mạnh mẽ như sàn chứng khoán TPHCM trong vòng 3 năm tới. Thị trường chứng khoán Việt Nam hiện đang là một trong những sàn chứng khoán sôi động nhất trong khu vực, với hàng trăm cổ phiếu đang được giao dịch và tổng giá trị vốn hóa là hơn 57 tỷ USD.
Từ đầu năm tới nay, đã có 57 công ty dịch vụ xin giấy phép để hoạt động trên sàn YSX, bao gồm 20 nhà bảo lãnh phát hành, 2 đại lý, 5 nhà môi giới cùng với 30 công ty tư vấn.
Như vậy, có thể thấy rõ thị trường Myanmar đang từng bước cởi trói chính sách và mở cửa chào đón các nhà đầu tư nước ngoài. Nhưng đây cũng là là một thị trường mới thành lập nên các nhà đầu tư cũng cần cân nhắc cẩn trọng, và tốt nhất hãy dành thời gian nghiên cứu cũng như chờ đợi thị trường có nhiều dấu hiệu chắc chắn hơn trước khi tiến vào nơi đây.
Đinh Hạnh
Nguồn Investasia, Frotier