Thứ Tư | 01/08/2012 09:45

Nhà đầu tư châu Á trở nên thận trọng hơn

Nhiều nhà đầu tư châu Á bán mạnh các tài sản rủi ro do lo ngại ngày càng tăng về kinh tế Mỹ và khủng hoảng châu Âu.
Các quỹ đầu tư quốc gia (SWF) và các tổ chức đầu tư, quản lý khoảng 1.000 tỷ USD tài sản, đang tìm cách bán cổ phiếu, trái phiếu cũng như tăng lượng tiền mặt nắm giữ. Động thái này là những dấu hiệu cho thấy các nhà đầu tư đang trở nên ác cảm với những rủi ro và biến động trên thị trường tài chính toàn cầu.

Chuyên gia về chính sách tài chính và tiền tệ tại Brookings Institution ở Washington, Barry Bosworth nhận định sự thay đổi này phán ánh nhận thức của các nhà đầu tư châu Á rằng những vấn đề của châu Âu và Mỹ sẽ không thể giải quyết trong thời gian tới.

Bên cạnh cuộc khủng hoảng nợ của khu vực đồng euro (eurozone), các quan chức tại các quỹ SWF cũng lo lắng về kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sẽ diễn ra trong tháng 11 tới đây, cũng như tác động của nó tới các cuộc đàm phán về ngân sách trong trương lai, nhà quản lý tại BlackRock Inc. - Terrence Keeley nhận định. Quá trình chuyển giao quyền lực cũng như tình trạng tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc cũng là những mối quan tâm lớn.

Government of Singapore Investment Corp (GIC) - quỹ đầu tư quốc gia chuyên quản lý nguồn dự trữ ngoại hối của Singapore - là tổ chức mới nhất bày tỏ lo ngại về nền kinh tế toàn cầu cũng như khả năng giải quyết khủng hoảng nợ của châu Âu.

Trong báo cáo hàng năm được công bố hôm nay 1/8, GIC đã tăng lượng tiền mặt trong danh mục đầu tư của mình từ 3% lên 11%, đồng thời giảm lượng nắm giữ cổ phiếu từ 49% còn 45% trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2012. Lượng trái phiếu nắm giữ cũng giảm từ 20% còn 15% khi lợi suất trái phiếu tại các thị trường phát triển xuống thấp bất thường.

Giống như GIC, các quỹ đầu tư châu Á khác cũng ngày một thận trọng hơn. Cuộc khảo sát mới đây do Dow Jones Newswires thực hiện đối với 7 quỹ cho thấy các nhà quản lý đang tích tiền mặt nhiều hơn trong danh mục đầu tư của mình lần đầu tiên kể từ tháng 4/2009.

Một số chuyên gia cho rằng việc rút về những nơi trú ẩn an toàn như vậy cho thấy một sự thay đổi trong ngắn hạn trước khi các nhà đầu tư quay trở lại với các tài sản rẻ hơn. Theo ông Terrence Keeley, các SWF tin rằng đâu đó vẫn còn một số cơ hội chiến lược và họ sẽ chuẩn bị để khai thác chúng một cách tốt nhất với số tiền mặt trong tay.

Các chuyên gia khác lại nhận định rằng những lo ngại về khủng hoảng nợ châu Âu không phải là nguyên nhân chính khiến các nhà đầu tư trở nên thận trọng, điều khiến họ quan tâm hơn cả trong thời điểm này là những nền tảng kinh tế cơ bản của Mỹ.

Mặc dù các SWF có thể bị hấp dẫn bởi những tài sản giá rẻ, song họ vẫn sẽ tiếp tục thận trọng trong hoạt động đầu tư, đó là kinh nghiệm được rút ra từ khủng hoảng tài chính năm 2008, cựu trợ lý thư ký Bộ Tài chính Mỹ, ông Edwin Ted Truman nhận định.

Một quỹ SWF khác của Singapore là Temasek Holdings, hiện đang quản lý 160 tỷ USD, trong tháng này cũng cho biết danh mục đầu tư cổ phiếu của quỹ đã giảm từ 78% còn 73% trong năm tài chính vừa qua, kết thúc vào ngày 31/3.

Tuần trước, China Investment Corp (CIC), một SWF của Trung Quốc hiện quản lý 482 tỷ USD,  cũng cho giảm lượng nắm giữ cổ phiếu, đồng thời đẩy mạnh các khoản đầu tư dài hạn nhằm bảo vệ mình trước các biến động ngắn hạn của thị trường. Theo báo cáo,  trong năm 2011, CIC lỗ 4,3%  trong danh mục đầu tư toàn cầu. Bên cạnh đó, lượng cổ phiếu trong danh mục đầu tư của quỹ cũng giảm từ 48% trong năm 2010 còn 25% trong năm 2011.

Nguồn WSJ/Khampha


Sự kiện