Thứ Hai | 06/07/2015 13:00

Nhà đầu tư Châu Á mê trái phiếu rủi ro

“Mọi người vẫn đang kỳ vọng nhiều vào trái phiếu lãi cao trong bối cảnh lãi suất ở mức thấp”, một lãnh đạo của JPMorgan Private Bank tại Hồng Kông nhận xét.

Các nhà đầu tư giàu có châu Á đã mua gần 17 tỉ USD trái phiếu lãi cao (nhưng rủi ro cũng rất cao vì loại trái phiếu này có mức độ uy tín thấp hơn tiêu chuẩn thông thường) trong 3 năm qua, hơn gấp đôi mức họ đã mua trong 3 năm trước đó, mặc dù rủi ro đang tăng lên từ phía một số đơn vị phát hành lớn nhất.

Thực vậy, lượng phát hành trái phiếu lãi cao đã tăng mạnh ở châu Á kể từ đầu năm 2013. Và các nhà đầu tư cá nhân giàu có, thông qua các ngân hàng cá nhân, đã mua về gần 25% số trái phiếu đó nhằm tìm kiếm mức sinh lời cao hơn trong bối cảnh lãi suất duy trì ở mức thấp.

Trong năm qua, các nhà phát triển bất động Trung Quốc là người phát hành nhiều nhất các trái phiếu lãi cao tại châu Á. Điều này cũng có nghĩa là nhiều trong số những nhà đầu tư nói trên đang đặt cược vào thị trường bất động sản Trung Quốc, vốn đã giảm mạnh trong hầu hết năm nay trước khi cho thấy một vài dấu hiệu phục hồi trong những tuần gần đây.

Các nhà đầu tư châu Á giàu có tiếp tục mua vào các khoản nợ mới thậm chí trong suốt đợt bán tháo trên thị trường trái phiếu lãi cao vào đầu năm nay khi nhà phát triển bất động sản Trung Quốc Kaisa Group Holdings đã vỡ nợ. Phát hành trái phiếu lãi cao đã giảm còn 9 tỉ USD trong 6 tháng đầu năm nay từ mức 13,7 tỉ USD của cùng kỳ năm ngoái, theo Dealogic. Nhưng tỉ trọng trái phiếu mới phát hành được các khách hàng ngân hàng cá nhân mua vào đã tăng tới 23% trong 5 tháng đầu năm nay từ mức 21% của cả năm 2014, theo Asia Investment Advisors.

Nha dau tu Chau A me trai phieu rui ro
Giá trị phát hành trái phiếu lãi cao tại châu Á đã tăng mạnh những năm gần đây

“Mọi người vẫn đang kỳ vọng nhiều vào trái phiếu lãi cao trong bối cảnh lãi suất đang ở mức thấp”, Ben Sy, người đứng đầu bộ phận thu nhập cố định, tỉ giá hối đoái và hàng hóa châu Á tại JPMorgan Private Bank tại Hồng Kông, nhận xét.

Các doanh nghiệp, chính phủ và người tiêu dùng đã vay rất nhiều ở châu Á kể từ cuộc khủng hoảng tài chính, giúp cho khu vực này qua được cuộc suy thoái toàn cầu, nhưng để lại những món nợ khổng lồ. Phần lớn khoản vay mượn ấy là do các nhà đầu tư thèm khát lãi suất cao ngày càng sẵn lòng cho vay những người đi vay có mức rủi ro cao hơn.

Một tỉ trọng lớn hơn các nhà đầu tư trong những năm gần đây là những cá nhân giàu có đang mua vào thông qua các ngân hàng cá nhân. Trước năm 2009, khi thị trường có quy mô nhỏ hơn rất nhiều so với hiện tại, chưa tới 8% trái phiếu lãi cao được bán thông qua các ngân hàng cá nhân. Nhưng những năm gần đây, con số này đã lên tới 27%.

Tại châu Á, các nhà đầu tư cá nhân cũng sẵn sàng bỏ tiền mua các trái phiếu rủi ro cao nhưng có mức sinh lời cao từ các công ty mà họ biết, theo Dilip Parameswaran, nhà sáng lập Asia Investment Advisors.

“Họ vẫn sẵn lòng mua trái phiếu của những cái tên quen thuộc trong ngành bất động sản Trung Quốc và thậm chí các tên hộ gia đình từ Ấn Độ như Reliance Communications. Họ không hề e ngại dù đã chứng kiến vụ vỡ nợ của Kaisa”, ông Parameswaran nói.

Các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc đã “bao sân” thị trường phát hành nợ lãi cao tại châu Á, chiếm tới 64% tổng số phát hành năm nay, từ mức 45% trong 2 năm qua, theo Dealogic.

Nhiều trong số những công ty này đang chật vật khi thị trường nhà đất Trung Quốc sa sút. Giao dịch mua nhà ở nước này đã giảm 2,2% so với cùng kỳ năm ngoái trong 4 tháng đầu năm nay. Nhưng lượng giao dịch đã tăng trở lại vào tháng 5, nhờ chi phí đi vay thấp hơn và các điều kiện thế chấp đã nới lỏng hơn.

Kaisa nằm trong số những nhà phát hành nợ lớn nhất. Bắt đầu vào năm 2010, Công ty đã huy động 2,5 tỉ USD bằng cách phát hành trái phiếu lãi cao. Các khách hàng ngân hàng cá nhân đã mua khoảng 1/6 số trái phiếu đó.

Đầu năm nay, sau khi vị Chủ tịch của Kaisa từ chức và chính quyền thành phố Trung Quốc nơi Công ty đặt trụ sở phong tỏa các giao dịch, Kaisa đã vỡ nợ. Trái phiếu của Kaisa đã giảm xuống mức rất thấp.

Các công ty khác thì đã bán phần lớn số nợ cho các khách hàng ngân hàng cá nhân. Những nhà đầu tư như vậy đã mua 2/3 trong tổng số trái phiếu trị giá 300 triệu USD do Reliance Communications (Ấn Độ) phát hành trong tháng 4 và 42% tổng giá trị trái phiếu 800 triệu USD của nhà phát triển bất động sản Trung Quốc Shimao Property Holdings hồi tháng 2. Cả hai đều đưa ra mức lãi suất rất cao: Shimao đưa ra mức 8,4% trong khi Reliance Communications trả mức 6,5%, cao hơn nhiều so với mức 1-3% của các công ty lớn nhất và an toàn nhất châu Á.

Các nhà đầu tư mà đã kìm lòng không bán ra trong suốt đợt bán tháo vào cuối năm 2014 và đầu năm nay cuối cùng đã được đền đáp xứng đáng. Các trái phiếu bất động sản có lãi suất cao Trung Quốc giờ đang nằm trong số các trái phiếu có diễn biến tốt nhất trong khu vực trong năm 2015. Nguyên nhân là do được hỗ trợ bởi các đợt cắt giảm lãi suất từ Ngân hàng Trung ương và những nỗ lực hỗ trợ thị trường nhà ở của Chính phủ Trung Quốc.

Trong 6 tháng đầu năm 2015, tổng mức sinh lợi của những trái phiếu này (bao gồm cả lãi suất và chênh lệch từ việc giá tăng) là 7,4%, theo hãng nghiên cứu Lucror Analytics. Trong khi đó, các trái phiếu doanh nghiệp có hạng mức đầu tư đã tăng chỉ 1,6%, theo J.P.Morgan Asia Credit Index.

Thậm chí khi chỉ số chứng khoán Shanghai Composite giảm hơn 20% kể từ khi đạt mức kỷ lục vào ngày 12.6, thì trái phiếu lãi cao châu Á vẫn trong tư thế ngẩng cao đầu: tăng 0,7% từ ngày 12.6 cho đến hết ngày 30.6.2015.

Các ngân hàng cá nhân bán nhiều nợ có lãi cao như thế một phần vì các ngân hàng đầu tư bảo lãnh phát hành những trái phiếu này đã trích một khoản tiền hoa hồng rất hậu hĩnh để họ bán những trái phiếu đó. Tiền hoa hồng mà các ngân hàng đầu tư chi ra lên tới 25-75 cent cho mỗi 100 USD giá trị trái phiếu bán ra.

Các khách hàng ngân hàng cá nhân có xu hướng nắm giữ trái phiếu trong suốt các đợt giá giảm, theo giới chuyên gia phân tích. Điều đó khiến cho thị trường càng ít thanh khoản, dễ kích thích giá trái phiếu tăng lên.

Đàm Hoa