Tỉ lệ nhà đầu tư dự định chuyển sang các tài sản rủi ro cao đặc biệt cao, khoảng 60%. Ảnh: SCMP.

 
Lam Ngọc Thứ Sáu | 19/07/2024 10:33

Nhà đầu tư châu Á - Thái Bình Dương chuyển hướng đầu tư

Khảo sát cho thấy nhà đầu tư khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ chuyển từ tiền mặt sang cổ phiếu và trái phiếu.

Trong hơn một thập kỷ qua, các nhà đầu tư trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã để gần một nửa tài sản để đầu tư vào các sản phẩm liên quan đến tiền mặt. Tuy nhiên, những triển vọng về chu kỳ cắt giảm lãi suất toàn cầu đang nhen nhóm sẽ sớm thúc đẩy họ chuyển hướng đầu tư sang cổ phiếu, theo một khảo sát mới đây.

Theo thông tin được công bố bởi Fidelity International, những nhà đầu tư tại 6 thị trường châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm Úc, Trung Quốc, Hong Kong, Nhật, Đài Loan và Singapore, đang sẵn lòng giảm tỉ trọng đầu tư tiền mặt và chấp nhận mức rủi ro cao hơn khi đầu tư vào cổ phiếu và trái phiếu. Điều này cho phép họ tận dụng cơ hội từ việc cắt giảm lãi suất dự kiến của Cục Dự trữ Liên bang (FED).

Khảo sát với hơn 6.000 người tham gia cho thấy có 53% nhà đầu tư có kế hoạch tăng tỉ trọng đầu tư vào cổ phiếu, vì đây là loại tài sản thường được hưởng lợi từ lãi suất thấp hơn. Trong khi đó, 64% nhà đầu tư đang tìm cách đầu tư vào các tài sản mang lại thu nhập.

Tỉ lệ nhà đầu tư dự định chuyển sang các tài sản rủi ro cao đặc biệt cao, khoảng 60%, được ghi nhận ở Đài Loan, Singapore và Úc.

Bất kể mục tiêu đầu tư hay thời gian đầu tư, nhà đầu tư trong khu vực kỳ vọng mức lợi nhuận hằng năm là 8%. Đáng chú ý là những nhà đầu tư ở Đài Loan và Úc có mức kỳ vọng cao hơn, lần lượt là 9,5% và 8,8%.

“Với phần lớn nhà đầu tư chủ yếu muốn tích lũy vốn trong dài hạn và kỳ vọng mức lợi nhuận hằng năm khoảng 8%, việc xem xét các lựa chọn ngoài tiền mặt trở nên rất quan trọng”, ông Terrence Kan, Chuyên gia chiến lược danh mục khách hàng tại Fidelity, cho biết.

Theo quyết định mới nhất của FED, lãi suất đã được duy trì trong khoảng từ 5,25-5,5% từ tháng 6. Tuy đã thừa nhận mức lạm phát yếu hơn, nhưng Ngân hàng Trung ương cho rằng vẫn cần thêm dữ liệu trước khi quyết định điều chỉnh lãi suất.

Theo báo cáo của Morgan Stanley vào tháng 5, FED có thể bắt đầu giảm lãi suất vào tháng 9. Morgan Stanley dự đoán đà giảm tốc của lạm phát trong nửa cuối năm sẽ đủ để FED tự tin tiến hành cắt giảm lãi suất.

Báo cáo từ Fidelity cũng cho thấy mặc dù có sự gia tăng nhu cầu đối với các tài sản có mức rủi ro từ các nhà đầu tư trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, vẫn có 40% nhà đầu tư dự định tăng tỉ trọng đầu tư tiền mặt và 24% muốn tăng số tiền gửi có kỳ hạn. Điều này đặc biệt đúng với Trung Quốc và Nhật, nơi người dân có xu hướng đầu tư thận trọng hơn. Trong khi đó, những nhà đầu tư ở Hong Kong và Singapore thường ưa chuộng các danh mục đa dạng hơn với tỉ lệ đầu tư vào cổ phiếu đáng kể.

“Có một khung thời gian đầu tư dài hơn giúp nhà đầu tư có cái nhìn tổng quan hơn và không bị mất lòng tin khi gặp phải biến động trong hành trình đầu tư. Đặc biệt, nhà đầu tư trẻ nên quản lý chủ động danh mục đầu tư của mình và tập trung vào các tài sản có tiềm năng tăng trưởng trong thời gian còn lại”, ông Kan nói. 

Có thể bạn quan tâm:

Khó để bảo hiểm chi trả cho các đợt nắng nóng

Nguồn SCMP