Thứ Năm | 27/06/2013 13:14

Nhà đầu tư châu Á - động lực hồi sinh ngành bất động sản Mỹ

Nhà đầu tư châu Á đang mua bất động sản thương mại Mỹ với tốc độ kỷ lục, đẩy giá lên cao và giúp hồi sinh các dự án đình trệ.
Các khoản đầu tư vào bất động sản Mỹ từ Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc lên kỷ lục trong năm nay, đạt tổng cộng 5,2 tỷ USD tính đến giữa tháng 6, theo số liệu từ Real Capital Analytics. Với tốc độ này, Singapore và Trung Quốc có thể đổ tiền vào bất động sản Mỹ nhiều gấp vài lần so với năm ngoái, trong khi Hàn Quốc nhiều gấp khoảng 3 lần.

Singapore hiện là nhà đầu tư số 1 tại châu Á vào bất động sản Mỹ trong năm nay, với tổng cộng 1,9 tỷ USD tính đến giữa tháng 6, theo Real Capital. Trung Quốc đã đầu tư tổng cộng 1,5 tỷ USD vào bất động sản Mỹ trong năm 2013, so với 300 triệu USD năm 2012. Một lượng lớn nhà đầu tư Hàn Quốc cũng đổ xô mua bất động sản Mỹ, trong đó phải kể đến Mirae Asset Global Investment với khoản chi 218 triệu USD để thâu tóm tòa cao ốc văn phòng tại West Wacker Drive, Chicago năm nay.

Singapore, Trung Quốc và Hàn Quốc là những nước châu Á đầu tư nhiều nhất vào bất động sản Mỹ
Singapore, Hàn Quốc và Trung Quốc là những nước châu Á đầu tư nhiều nhất vào
bất động sản Mỹ năm 2013 (Nguồn: WSJ)

Có khá nhiều nguyên nhân giải thích cho sự tăng trưởng đột biến này. Một số quỹ hưu trí châu Á đang mở rộng và tích lũy tài sản để chuẩn bị cho tình trạng dân số già. Một số quỹ nhà nước đang kêu gọi sự đa dạng hóa và ổn định hóa trên thế giới. Trong khi một số nước châu Á, bao gồm Trung Quốc đang tự do hóa các quy định về đầu tư ra nước ngoài.

Những biến động gần đây trên thị trường tài chính toàn cầu và lợi suất trái phiếu tăng có thể làm giảm phần nào đam mê đầu tư vào bất động sản, đặc biệt nếu lãi suất tiếp tục tăng, khiến cho hoạt động tái huy động nợ đối với các bất động sản lớn trở nên đắt đỏ hơn. Trong khi đó, Trung Quốc đang lao đao trước thông tin ngân hàng trung ương thắt chặt tín dụng.

Nhưng một số nhà đầu tư châu Á và các nhà phát triển cho biết, thương vụ ban đầu của họ còn là một phần của chiến lược dài hạn. Chẳng hạn, nhà phát triển bất động sản Trung Quốc China Vanke Co. hợp tác với nhà phát triển Tishman Speyer của Mỹ đầu năm nay để phát triển một dự án chung cư tại San Francisco. Chủ tịch China Vanke cho biết, dự án này một phần nhằm giúp phía Trung Quốc hiểu rõ hơn về mô hình kinh doanh trong một môi trường phát triển và tích lũy kinh nghiệm quản lý qua sự hợp tác.

Một số nhà phân tích bất động sản cho biết, các khoản đầu tư từ châu Á còn là một phần của chiến lược đa dạng hóa trong dài hạn, vì thế họ không quan tâm nhiều đến biến động giá và tỷ giá trong ngắn hạn. Những dòng vốn đó đóng vai trò quan trọng trong việc phục hồi thị trường bất động sản Mỹ.

Có thể trở thành một trong số những thương vụ bất động sản Mỹ lớn nhất kể từ khủng hoảng tài chính, một nhóm nhà đầu tư từ Singapore cũng đang trong giai đoạn đàm phán với nhà phát triển Hines của Mỹ để hồi sinh một dự án chung cư cao cấp đang bị đình trệ nối liền với Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại tại Manhattan.

Tuy nhiên, vẫn còn một số trở ngại đối với đầu tư nước ngoài. Nhà đầu tư khi mua cổ phần của bất động sản Mỹ vẫn phải chịu thuế, đây vẫn là trở ngại lớn nhất ngăn cản đầu tư nước ngoài vào các dự án bất động sản lớn của Mỹ. Bên cạnh đó, sự phục hồi chậm chạp của nền kinh tế Mỹ cũng góp phần ngăn cản nhà đầu tư châu Á đến với các thành phố lớn.

Nguồn Dân Việt/WSJ


Sự kiện