Thứ Tư | 12/06/2013 09:16

Nhà đầu tư bán tháo tài sản tại các thị trường mới nổi

Trái phiếu, cổ phiếu và tiền tệ tại thị trường mới nổi bị bán tháo mạnh do lo ngại Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giảm kích thích kinh tế.
Các nền kinh tế mới nổi được hưởng lợi từ chính sách nới lỏng toàn cầu của các ngân hàng trung ương, dẫn đầu là Fed với hơn 12 nghìn tỷ USD được bơm vào thị trường kể từ khủng hoảng tài chính.

Tuy nhiên, những dấu hiệu của suy thoái kinh tế lan rộng từ Trung Quốc và nhiều tín hiệu cho thấy Fed có thể giảm quy mô chương trình mua 85 tỷ trái phiếu đã gây nên một sự điều chỉnh mạnh tại các thị trường mới nổi.

Đồng rand của Nam Phi và đồng real của Brazil xuống thấp nhất 4 năm so với USD ngày 11/6. Đồng rupee của Ấn Độ giảm xuống mức thấp kỷ lục. Ngay cả các nước phát triển tương đối tốt như Philippines và Mexico cũng chịu ảnh hưởng của các đợt bán tháo tài sản. Một số ngân hàng trung ương đã bắt đầu can thiệp để ngăn chặn nội tệ giảm giá. Bên cạnh đó, trái phiếu tại thị trường mới nổi và quốc tế đều giảm mạnh.

Chỉ số chứng khoán FTSE của các thị trường mới nổi giảm 1,7% ngày hôm qua. Chứng khoán Brazil - một trong 4 thị trường mới nổi lớn nhất, đóng cửa giảm 3%. Trong năm nay, chứng khoán Brazil đã giảm hơn 20% so với mức đỉnh năm nay.

Yên Nhật tăng 2,9% ngày 11/6 do Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) không đưa ra các biện pháp nới lỏng tiền tệ hơn nữa và nhà đầu tư bán tháo các tài sản được vay bằng yên.

Benoit Anne, chiến lược gia cấp cao của Societe Generale cho biết tiền tệ của ngân hàng trung ương đã thổi phồng bong bóng tại các thị trường mới nổi và ông dự đoán đây không phải là đợt bán tháo trong ngắn hạn.

Các nhà quản lý quỹ tại thị trường mới nổi cũng bị ảnh hưởng bởi hoạt động bán tháo của nhà đầu tư. Tuần trước, các nhà quản lý tài sản tập trung vào trái phiếu quốc tế chịu tổn thất nhiều nhất kể từ giữa năm 2007. Các quỹ đầu tư chứng khoán tại thị trường mới nổi cũng chịu ảnh hưởng nặng nề từ đợt bán tháo này.

Mặc dù những đồn đoán về việc Fed giảm quy mô nới lỏng tiền tệ đã gây ra đợt bán tháo cổ phiếu nhưng các nhà quản lý quỹ và chuyên gia phân tích cũng bị ảnh hưởng bởi một đợt suy thoái kinh tế tại hầu hết các nước đang phát triển. Tốc độ tăng trưởng trong quý I của các nước này chậm lại gây thất vọng cho thị trường.

Tuy nhiên, các nhà quản lý quỹ dự báo Fed sẽ vẫn mua hàng tỷ USD trái phiếu vào năm tới và BOJ hiện nay cũng đang thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ lớn chưa từng có.

Henry Stipp, nhà quản lý quỹ tại Threadneedle cho biết xu hướng bán tháo của nhà đầu tư vẫn còn ít và ông chỉ ra triển vọng kinh tế dài hạn của các nước đang phát triển vẫn rất lạc quan. Tốc độ tăng trưởng có thể chậm lại nhưng vẫn cao hơn các nước phát triển và sự năng động tại các thị trường này vẫn là một lợi thế.

Trái với quan điểm của ông Stipp, nhiều nhà quản lý quỹ vẫn bi quan về thị trường mới nổi trong ngắn hạn.

Nguồn FinancialTimes/Dân Việt


Sự kiện