Nguy cơ tiềm ẩn từ bong bóng trái phiếu châu Á
Tính đến tháng 9, lần đầu tiên trong năm nay, số trái phiếu phát hành bằng ngoại tệ của khu vực châu Á vượt ngưỡng 100 tỷ USD, và dự kiến sẽ đạt kỷ lục 130 tỷ USD vào cuối năm 2012. Cùng thời điểm đó, dòng tiền đầu tư đổ vào các quỹ trái phiếu thị trường mới nổi cũng tăng trưởng khá ổn định, trong đó dòng tiền chảy vào đã tăng 22 tuần tăng liên tiếp, số liệu từ hãng nghiên cứu EPFR cho thấy.
Bất chấp những tín hiệu khả quan này, nhiều chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo về nhiều dấu hiệu cho thấy nguy cơ hình thành bóng bóng trái phiếu tại châu Á. Trong đó, mức lợi suất thấp của một số trái phiếu dài hạn, chất lượng tài sản kém và số nợ ngày càng tăng của các nhà đầu tư chính là những yếu tố gây rủi ro khiến các nhà kinh tế lo ngại.
Giám đốc đầu tư chiến lược của ngân hàng Bank of America Merill Lynch, ông Michael Hartnett, nhận định: "Có nhiều cơ sở để lo ngại về một bong bóng trái phiếu đang hình thành ở các thị trường mới nổi. Lợi nhuận và dòng chảy tiền tệ có thể đảo ngược nếu bong bóng vỡ".
Theo số liệu thống kê, lợi suất trái phiếu châu Á - tỷ lệ nghịch với giá - đã giảm mạnh trong vòng 12 tháng qua. Trong khi đó, chỉ số J.P. Morgan Asia Credit Index (JACI), chuyên dùng để theo dõi hoạt động của các các trái phiếu châu Á phát hành bằng USD, cho thấy lợi suất hiện tại của trái phiếu châu Á là 4%, so với 6,1% trong năm ngoái, ngân hàng JP Morgan cho biết.
Trong năm 2010, lợi suất trái phiếu châu Á từng giảm còn 4% khi những lo ngại về rủi ro cùng lo lắng về triển vọng kinh tế Mỹ khiến các nhà đầu tư đổ xô đến các trái phiếu an toàn hơn.
Nhà chiến lược đầu tư cao cấp tại Standard Chartered, ông Manpreet Gill, cho biết: "Lợi suất của trái phiếu châu Á đang ở gần mức thấp kỷ lục, cho thấy thị trường tín dụng đang được định giá quá cao. Giá không có khả năng tăng cao hơn khi các trái phiếu không còn một lượng lớn giá trị như trước".
Bên cạnh đó, sự chênh lệch trong lợi suất - giữa trái phiếu doanh nghiệp châu Á và trái phiếu kho bạc Mỹ, được coi là loại trái phiếu phi rủi ro, cũng bắt đầu bị thu hẹp. Theo JP Morgan, chênh lệch giữa chỉ số JACI và trái phiếu kho bạc Mỹ hiện tại là 260 điểm cơ bản, so với 360 điểm trong tháng 11/2011.
Theo ông Stephen Chang, người đứng đầu về thu nhập cố định châu Á tại công ty quản lý tài sản JP Morgan Asset Management, trong khi nhu cầu đối với trái phiếu nợ doanh nghiệp châu Á sẽ không giảm trong bối cảnh kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm chạp và châu Âu suy thoái, điều đáng lo ngại chính là chất lượng của các đợt phát hành trái phiếu.
Theo tạp chí International Financing Review, trong tháng 9, đã có 3 đợt phát hành trái phiếu hạng B (hay trái phiếu cấp thấp) với tổng giá trị giao động từ 250 triệu USD đến 350 triệu USD, song số đăng ký mua lại rất cao so với dự kiến.
"Một số doanh nghiệp có xếp hạng thấp cũng bắt đầu phát hành trái phiếu ra thị trường. Khi các doanh nghiệp chất lượng thấp cũng có thể hút nhà đầu tư, đó thực sự là một dấu hiệu đáng ngại", ông Chang nói.
Ngoài chất lượng tài sản, một mối lo ngại khác đó là số nợ của các nhà đầu tư mua tài sản thu nhập cố định đang tăng lên. Theo chuyên gia về nợ tại ngân hàng Citigroup, ông Duncan Phillips, các nhà đầu tư nhỏ lẻ đang vay nợ quá nhiều để mua trái phiếu của các doanh nghiệp, trong đó hai loại trái phiếu hấp dẫn đối với họ là trái phiếu ngân hàng châu Á và trái phiếu lợi suất cao của Trung Quốc.
Nguồn CNBC/Khampha