Người dân xếp hàng chờ trước siêu thị. Ảnh: Bloomberg

 
Vũ Hạo Thứ Năm | 26/03/2020 17:48

Nguy cơ gì từ tình trạng các quốc gia tích trữ thực phẩm?

"Cuối cùng, bất kỳ sự gián đoạn vì lý do gì, ông Berg cho biết các nước kém phát triển nhất với đồng tiền yếu sẽ bị tổn thương nhiều nhất.

Không chỉ người dân đổ xô mua và tích trữ vật phẩm thiết yếu, một số Chính phủ cũng hành động để bảo đảm nguồn cung lương thực trong nước.

Kazakhstan, một trong những quốc gia xuất khẩu bột mỳ lớn nhất thế giới, đã cấm xuất khẩu sản phẩm này cùng với những loại thực phẩm khác bao gồm cà rốt, đường và khoai tây.

Serbia cũng đã cấm xuất khẩu dầu hướng dương và nhiều hàng hóa khác, trong khi Nga để ngỏ khả năng cấm xuất khẩu và cho biết đang theo dõi tình hình hàng tuần.

Rõ ràng, chỉ vài nước trên thế giới hành động và chẳng có gì chắc chắn là sẽ còn nhiều nước làm điều tương tự. Dù vậy, điều này đang làm dấy lên câu hỏi: Đây có phải điểm khởi đầu của chủ nghĩa dân tộc về lương thực và từ đó càng đe dọa đến dòng chảy thương mại và chuỗi cung ứng toàn cầu?

"Chúng tôi chứng kiến tình trạng này đã xảy ra từ trước. Và tất cả những gì chúng ta có thể thấy là tình trạng phong tỏa sẽ ngày càng tồi tệ hơn", ông Tim Benton, Giám đốc Nghiên cứu các rủi ro mới nổi tại Chatham House ở London, chia sẻ.

Mặc dù nguồn cung thực phẩm vẫn còn dồi dào, nhưng các rào cản về logistics đang khiến việc đưa sản phẩm đến nơi cần thiết trở nên khó khăn hơn trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Các nước phải áp dụng biện pháp chưa từng có tiền lệ, người dân hoảng sợ và đổ xô mua hàng tích trữ, và còn có nguy cơ khủng hoảng nhân lực.

Người dân trên toàn cầu vẫn đang tích trữ cho đầy “túi đồ ăn” của mình và tác động kinh tế của đại dịch lên thế giới chỉ vừa mới bắt đầu. Quy mô của các biện pháp hạn chế thương mại trên gợi lại ký ức chẳng mấy tốt đẹp về những tác động tiêu cực của chủ nghĩa bảo hộ. Quan điểm này rất đúng trong bối cảnh hiện nay, khi các động thái trên được đưa ra vì nỗi sợ chứ không phải vì mất mùa hay các vấn đề về nguồn cung khác.

Hiện tại, nhiều Chính phủ đã đưa ra các biện pháp mạnh tay, cụ thể như đưa ra giờ giới nghiêm, hạn chế tụ tập đông người hoặc thậm chí hạn chế người dân ra ngoài làm việc khác trừ mua nhu yếu phẩm.

Điều này có thể ảnh hưởng dây chuyền đến chính sách lương thực, bà Ann Berg, nhà tư vấn độc lập và người buôn bán lương thực kỳ cựu, nhận định.

"Bạn có thể thấy chế độ chia khẩu phần như thời chiến, kiểm soát giá cả và dự trữ trong nước", bà nói.

Một số quốc gia đang bổ sung thêm vào kho dự trữ chiến lược. Trung Quốc, đất nước tiêu thụ và cũng là nơi sản xuất gạo lớn nhất thế giới, đã cam kết mua nhiều hơn bao giờ hết từ vụ mùa nội địa, mặc dù Chính phủ đã dự trữ rất nhiều gạo và lúa mì, đủ cho một năm tiêu thụ.

Các nhà nhập khẩu lúa mì hàng đầu gồm Algeria và Thổ Nhĩ Kỳ cũng đưa ra các gói thầu mới, và Morocoo cho biết việc dừng áp thuế nhập khẩu mặt hàng này sẽ kéo dài đến giữa tháng 6/2020.

Ảnh: Bloomberg
Ảnh: Bloomberg

Khi các chính phủ đi theo cách tiếp cận theo chủ nghĩa dân tộc, họ có nguy cơ phá vỡ một hệ thống toàn cầu – vốn ngày càng gắn kết chặt chẽ trong vài thập kỷ gần đây.

Kazakhstan đã dừng xuất khẩu các loại thực phẩm khác như kiều mạch và hành tây, trước khi ngừng xuất khẩu bột mì tuần này. Động thái mới nhất này có khả năng ảnh hưởng lớn hơn tới các doanh nghiệp trên toàn cầu phụ thuộc vào nguồn cung nguyên liệu để sản xuất bánh mì.

Đối với một số hàng hóa, chỉ một số ít vài quốc gia xuất khẩu phần lớn. Sự gián đoạn với những lô hàng này sẽ gây ra sự phân rẽ lớn trên toàn cầu. Chẳng hạn, Nga là nước xuất khẩu lúa mì hàng đầu thế giới và là nhà cung cấp lúa mì chủ yếu cho Bắc Phi.

"Nếu các Chính phủ không chung tay đảm bảo chuỗi cung ứng toàn cầu và chỉ đặt quốc gia mình lên hàng đầu, tình hình chỉ có tồi tệ hơn thôi", ông Benton tại Chatham House nói.

Ông cảnh báo việc đua tích trữ cùng với các chính sách mang hơi hướng chủ nghĩa bảo hộ có thể khiến giá thực phẩm tăng cao hơn – một chu kỳ có thể tự lặp lại.

"Nếu bạn mua cho vụ mùa năm tới trong tâm thế hoảng loạn, sau đó giá sẽ tăng cao và khiến các nhà hoạch định chính sách hoảng loạn hơn", ông nói.

Giá hàng hóa ngày càng cao cũng có thể gây rắc rối. Giá bánh mì có lịch sử dài gắn với khởi đầu bất ổn chính trị. Trong suốt các đợt giá tăng vọt năm 2011 và 2008 đã có những cuộc bạo loạn vì thực phẩm tại hơn 30 quốc gia ở châu Phi, Á và Trung Đông.

“Thiếu vắng nguồn cung thực phẩm, các xã hội có thể hoàn toàn vụn vỡ", ông Benton cho hay.

Giá hàng hóa. Ảnh Bloomberg
Giá hàng hóa. Ảnh Bloomberg

Không giống như những giai đoạn giá thực phẩm tăng mạnh trước đó, lượng dự trữ thực phẩm như bắp, lúa mì, đậu nành và gạo trên toàn cầu đang rất dồi dào, ông Dan Kowalski, Phó Chủ tịch phụ trách nghiên cứu tại CoBank, cho hay. Ông không cho rằng giá sẽ tănh mạnh tại thời điểm này.

Trong những thập kỷ trước, giá lương thực tăng do các vấn đề biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến vụ mùa. Các chính sách của các nước lại càng khiến hậu quả trở nên trầm trọng hơn. Trong năm 2010, Nga trải qua đợt nắng nóng kỷ lục gây thiệt hại vụ lúa mì. Trước tình cảnh đó, nước này cấm xuất khẩu để đảm bảo đủ nguồn cung nội địa.

Chỉ số giá lương thực toàn cầu của Liên Hợp Quốc (UN) đạt mức cao kỷ lục trong tháng 2/2011.

"Với những rắc rối hiện tại, chưa phải lúc để áp dụng các chính sách mang hơi hướng chủ nghĩa dân tộc”, Maximo Torero, kinh tế trưởng tại Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp Quốc cho biết. “Ngược lại, đây là thời điểm để hợp tác và phối hợp".

Dĩ nhiên, các lệnh cấm có thể không kéo dài và dấu hiệu trở lại tình trạng bình thường có thể khiến ngăn các quốc gia sử dụng những biện pháp cứng rắn. Khi người tiêu dùng thấy nhiều sản phẩm trên kệ hơn, họ có thể ngừng tích trữ. X5 Retail, nhà bán lẻ lớn nhất nước Nga cho biết nhu cầu với các thực phẩm thiết yếu đang bắt đầu ổn định. Tại Mỹ, các nhà bán lẻ lớn Walmart đã rút ngắn thời gian mở cửa để nhân viên bổ sung hàng lên kệ.

Trong khi đó, giá một số thực phẩm đã bắt đầu tăng vì người dân đổ xô đi mua. Hợp đồng lúa mì tương lai ở Chicago đã tăng hơn 6% trong tháng 3/2020. Giá thịt bò bán buôn ở Mỹ cũng tăng cao nhất từ năm 2015 và giá trứng gà cũng cao hơn.

Đồng thời, đồng USD đang tăng mạnh so với một loạt tiền tệ ở các thị trường mới nổi. Điều này làm giảm sức mua đối với các quốc gia nhập khẩu những hàng hóa định giá bằng đồng bạc xanh.

"Cuối cùng, bất kỳ sự gián đoạn vì lý do gì, ông Berg cho biết các nước kém phát triển nhất với đồng tiền yếu sẽ bị tổn thương nhiều nhất.

* Gói kích thích 2.000 tỷ USD của Chính phủ Mỹ có gì?

Nguồn Bloomberg