Nguy cơ đối đầu hạt nhân Nga - Mỹ
Theo báo The Guardian ngày 4/1, diễn biến mới nhất làm dấy lên lo ngại chấm dứt thời kỳ kiểm soát vũ khí và đưa hai quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân này quay trở lại thế đối đầu. Trước đó, việc Nga tăng cường các chuyến tuần tra bằng tàu ngầm hạt nhân đã khiến Mỹ khó chịu.
Washington cáo buộc việc Matxcơva phát triển loại tên lửa hành trình mới vi phạm một trong các điều ước kiểm soát vũ khí quan trọng từ thời chiến tranh lạnh, và làm tăng khả năng tái triển khai tên lửa hành trình riêng của Nga ở châu Âu sau 23 năm vắng bóng.
Cuối tháng 12/2014, quân đội Mỹ đã thử nghiệm hệ thống phát hiện các tên lửa hành trình trên bầu trời Washington, chín tháng sau khi Bộ chỉ huy phòng không bắc Mỹ cảnh báo Lầu Năm Góc đang đối mặt với các thách thức từ tên lửa hành trình, đặc biệt lưu ý đến các tàu ngầm của Nga. Các tàu ngầm trên được triển khai khắp Đại Tây Dương mang theo các tên lửa đạn đạo có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, theo Guardian.
Căng thẳng xuất hiện trong bối cảnh các nỗ lực kềm chế vũ khí thời hậu chiến tranh lạnh đang mất đà. Thực tế, số đầu đạn hạt nhân chiến lược mà Mỹ và Nga triển khai tăng mạnh trong năm qua. Cả hai nước cũng chi hàng tỉ USD để hiện đại hóa kho vũ khí.
Theo Guardian, khi cuộc xung đột ở Ukraine hạ nhiệt và kinh tế suy giảm, Nga đang xem vũ khí hạt nhân là yếu tố quan trọng để duy trì ảnh hưởng.
Washington cáo buộc việc Nga thử nghiệm một loại tên lửa tầm trung mới vi phạm Hiệp ước tên lửa tầm trung và tầm ngắn (INF) 1987, thỏa thuận đã đặt dấu chấm hết cho thế đối đầu của tên lửa hành trình Mỹ và Nga tại châu Âu.
Bà Rose Gottemoeller, đàm phán viên kiểm soát vũ khí của Mỹ, cho biết loại tên lửa của Nga, được cho là Iskander-K, vi phạm giới hạn 500 - 5.500 km và đã sẵn sàng được triển khai.
Nga phủ nhận sự tồn tại của loại tên lửa này và cáo buộc ngược lại các vi phạm của Washington đối với hiệp ước INF.
Ông Brian McKeon, đàm phán viên của Lầu Năm Góc, cho biết quân đội Mỹ đang xem xét nhiều khả năng để đáp trả tên lửa Nga, bao gồm triển khai một hệ thống vũ khí tương đương. “Hiện tại chúng ta không có tên lửa hành trình phóng từ mặt đất ở châu Âu bởi chúng bị cấm theo hiệp ước (INF) nhưng đó sẽ là một khả năng để xem xét” - ông McKeon nói.
Việc hai cường quốc đua nhau hiện đại hóa vũ khí đang khiến thế giới đối mặt với một kỷ nguyên cạnh tranh quân sự quyết liệt, ông Hans Kristensen, giám đốc Dự án thông tin hạt nhân thuộc Hiệp hội các nhà khoa học Mỹ, nhận xét. “Nó chỉ giúp tăng cường an ninh thêm một chút nhưng khiến rất nhiều người thuộc cả hai phía lo sợ” - ông nói.
Nguồn Tuổi trẻ